PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập IV B 4)
(phân đoạn 1, truyện kí thứ 12)
TRẦN XUÂN AN
KINH ĐÔ QUẬT KHỞI
VÀ QUỐC KẾ CHIA TÁCH – PHỐI HỢP TRIỀU CHÍNH
Truyện kí thứ mười hai
(phân đoạn 2)
14
“Ba Cung [Tam Cung: Từ Dũ thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu Vũ thị (trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (học phi)] [ra] dụ chỉ, chuẩn phái người đến hành tại [ở Tân Sở] tâu xin ngự giá [:xe vua] hồi loan [về Huế]” (79) …
Lúc Tam Cung về đến Huế, De Courcy, De Champeaux và cả cố đạo Caspar hết sức âu lo và cũng rất đỗi vui mừng. Chúng âu lo là biết đâu, Tam Cung, trong đó đứng đầu là Từ Dũ, bị bức quá hoá liều, bỗng chốc lại cương quyết thì thật mệt cho chúng. Chúng mừng vui vì không thể không hi vọng thái hoàng thái hậu Từ Dũ ấy sẽ “khôn ra mà ngoan ngoãn nghe lời (!)” chúng. Trong dự định, chúng sẽ gợi ý để bà nhờ ai đó viết các bản dụ, hoặc nếu cần, chúng sẽ nhờ linh mục hành nhân Nguyễn Hữu Cư viết thay, thái hoàng thái hậu Từ Dũ chỉ cần đứng tên là đủ.
Hôm chuẩn bị lên Khiêm lăng yết kiến Tam Cung, De Champeaux thưa với tên đô thống của y:
- Trong những người vợ của vua Tự Đức, vị vua đã quá cố, tôi có biết danh một người từ hai năm nay thường viết các bản dụ thay cho thái hoàng thái hậu Từ Dũ, bà mẹ của ông vua ấy. Người đó là bà Nguyễn Nhược thị Bích (80), con gái của một viên quan tên là Nguyễn Nhược Sơn hay Nguyễn Nhược Sâm gì đấy. Bà ta người Ninh Thuận, thuộc tỉnh Bình Thuận. Ta có thể sẽ buộc cả bà Từ Dũ lẫn bà Nguyễn Nhược thị này phải theo ý ta.
- Đúng vậy! Tôi đã bảo rồi cơ mà! Phải nắm cho được Tam Cung, và nếu quả là có một bà Nguyễn Nhược thị như vậy, thì cũng nắm luôn. Thế là nắm được nước Đại Nam này. Vấn đề là ép buộc, thuyết phục họ như thế nào!
De Champeaux đã làm khâm sứ tại kinh đô Huế mấy lần, nên y rất rành rõi, ít ra cũng như một người dân Huế lâu năm sống tại đây.
“Năm [Tự Đức] ba mươi sáu [1883], Dực Tông Anh hoàng đế lên chầu trời, vâng ý chỉ Hai Cung, sắc dụ đều cho tay [Nguyễn Nhược] thị ấy làm. Năm Hàm Nghi thứ nhất, tháng năm [Ất dậu, 1885], kinh thành có việc, [Nguyễn Nhược thị Bích] đi theo Hai Cung đi Quảng Trị, có [viết] bài hát quốc âm “Xe vua vào đất Thục” [“Hạnh Thục ca”, nhan đề mượn điển tích Đường Minh Hoàng tránh loạn đi vào Thục]. Ngày hai xe [của Hai Cung] cùng về, các sắc phụng chiếu thư, [Nguyễn Nhược thị Bích] cầm bút viết xong ngay, việc gì cũng xứng chỉ” (80) (*).
Từ hai năm trước và đặc biệt là từ ngày này, tất thảy mọi bản dụ của Tam Cung, hay chỉ riêng Từ Dũ thái hoàng thái hậu, đều do một tay bà Nguyễn Nhược thị Bích viết sau khi nhận khẩu dụ của ba bậc mẫu nghi thiên hạ ấy. Cũng từ ngày này, nhất là hôm sau, khi Thọ Xuân vương Miên Định được thái hoàng thái hậu Từ Dũ chuẩn làm nhiếp chính, quyền giữ việc nước như một nguyên thủ giám quốc, phụ chính Nguyễn Văn Tường chỉ còn ngồi lặng lẽ lắng nghe những thông tin từ các tỉnh dội về Nha Thương bạc. Công việc chính của ông là bí mật liên hệ với phong trào Cần vương, mỗi khi tránh được những đôi mắt cú vọ của bọn Pháp, tuy mặt khác, ông vẫn làm việc như một đại thần đầu triều.
Thật ra, trong thực tế, những bản dụ của thái hoàng thái hậu Từ Dũ, Tam Cung, nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định đều không tác động gì. Tất cả sĩ phu, hầu hết các quan chức ở các tỉnh, phủ, huyện đều bí mật hành động theo mật dụ, nhất là Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương mà vua Hàm Nghi và phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã tuyên cáo.
Phong trào Cần vương đã vang động trên khắp Đất nước, từ Bình Thuận đến Cao Bằng!
“Con tin” hay “người tù” Nguyễn Văn Tường đã chấp nhận “thế hi sinh” để cứu vãn triều đình nhà Nguyễn, vẫn cố gắng bí mật tiến hành kế sách chia tách nhưng vẫn phối hợp triều chính với phụ chính Tôn Thất Thuyết. Do đó, “hiệu lệnh chưa thống nhất” (81), không khỏi bị chuệch choạc, thậm chí phủ định lẫn nhau.
Trong tâm trạng khắc khoải với nỗi đau lòng, phụ chính Nguyễn Văn Tường vẫn không khỏi buồn cười khi biết chính thái hoàng thái hậu Từ Dũ và nhiếp chính Miên Định ra các bản dụ trừng phạt, theo kiểu để đối phó một cách “qua loa, chiếu lệ”, cả vợ con Tôn Thất Thuyết và vợ con các quan theo phù ngự giá khác, trong khi những người thân yêu ấy của vị đệ nhị phụ chính và của họ đã lên rừng, sống chết với ông và với họ! Phụ chính Nguyễn Văn Tường lẫn phụ chính Tôn Thất Thuyết cũng đều thừa biết rằng, bọn Pháp đang làm sức ép, buộc phải ra những bản dụ trừng trị Tôn Thất Thuyết và các vị cùng phò giá như thế, bởi lẽ, không ai khác hơn, chính Tam Cung đã ra lệnh dụ cho đại thần Tôn Thất Thuyết: “Ngày Ất mão [hai mươi ba, tháng năm, Ất dậu], kinh thành có việc. Tôn Thất Thuyết kèm vua, vâng mệnh Ba Cung, ngự giá chạy ra miền Bắc” (39) . Bản thân phụ chính Tôn Thất Thuyết hồi còn ở tại triều đình Huế, trước cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ, đã thừa biết sự thể như thế và cách đối phó bằng “mật dụ chính thức” kèm với “hư dụ công khai” , chẳng hạn như vụ bố chánh Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp cuối tháng tư vừa rồi!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường rất thấu hiểu tình trạng không thể không phần nào hỗn loạn, hoang mang, quờ quạng bên cạnh tính tích cực, hữu hiệu là chủ yếu của quốc kế chia tách nhưng phối hợp triều chính hiện tại. Đó là tình trạng tạm thời một khi “hiệu lệnh chưa thống nhất”. Đây quả là một thời điểm lịch sử quá đặc biệt, xưa nay chưa từng có, bởi các sách lược cổ điển là chiến, hoà, thủ đều không thể thực hiện được mà phải quyền (quyền biến, quyền nghi)! Quyền biến, quyền nghi là sự linh hoạt “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thể hiện cụ thể bằng quốc kế chia tách nhưng vẫn phối hợp triều chính một cách mật thiết. Sự linh hoạt ấy không phải là vô nguyên tắc, mà phải lấy cái bất biến (thân dân, ái quốc, trung quân, ý chí quét sạch quân xâm lược, bọn bán nước) để ứng xử với vạn sự biến hoá, vạn sự chuyển biến của tình hình Đất nước, mà chủ yếu là do tương quan lực lượng giữa ta (Đại Nam) với địch (Pháp, “tả đạo”), trong điều kiện lịch sử – cụ thể (không thể chiến, không thể hoà, không thể thủ).
“Các vị đại thần mưu quốc tìm kế giữ yên xã tắc, bảo vệ triều đình: [Nếu] cứ cúi đầu nó bảo gì nghe nấy, ngồi yên để mất cơ hội thì sao bằng dò xem ý chúng muốn hành động mà đối phó trước? Ví thử việc chẳng chịu lòng, thì còn có thể làm như ngày nay để mưu tính việc về sau cho ổn” (75).
“Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám” (76).
“Huân thần [:Nguyễn Văn Tường] tâm sự như thế, cáng đáng như thế, [huân thần ấy] thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (77) .
Nhưng đâu phải những tên thực dân quân phiệt De Courcy, Prudhomme, thực dân cáo già De Champeaux, Caspar, Hamelin không biết làm sức ép!
Sức ép của bọn giặc càng lúc càng tăng là đằng khác! Tất cả mọi cái đều quyết định bởi bạo lực quân sự, ai mạnh hơn ai! Sức ép của chúng càng tăng thì nỗi khổ tâm của phụ chính Nguyễn Văn Tường càng lớn. Là một đại thần đầu triều, ông không thể đổ tội cho Tam Cung, ba bà lão vốn chỉ suốt đời sống trong cung cấm, không thể đổ tội cho Thọ Xuân vương Miên Định, một cụ già tám mươi tuổi! Vinh quang và tủi nhục, ông xin nhận hết. Có điều, ai cũng hiểu rằng, chính Tam Cung và Miên Định đôi khi nhân nhượng giặc mà ép buộc cả phụ chính Nguyễn Văn Tường!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường như một người được chủ nhà quá cố (vua Tự Đức), khi hấp hối giao cho ông trọng trách chống đỡ giúp ngôi nhà ba gian (Bắc, Trung, Nam), một gian (Nam Kì) đã bị cướp đứt, hai gian còn lại (đang thuộc triều đình nhà Nguyễn) cũng sắp sụp đổ; và ông đã nỗ lực hết mình để chống đỡ, nhưng không đủ tư cách như một người có chủ quyền sở hữu ngôi nhà ấy, để có thể quyết định phá đổ nó đi (tiêu thổ), rồi vào rừng (kháng chiến), tìm gỗ quý (chiến sĩ đã qua thử thách) về dựng lại ngôi nhà mới. Ông chỉ đủ tư cách để duy trì ngôi nhà sắp sụp đổ ấy cho đến lúc sức cùng lực kiệt trong tinh thần phụ trách của mình, ít ra là cố giữ được nguyên trạng (1874 – 1883). Đó cũng là tâm trạng của ông trước những người có tư cách thừa kế quyền sở hữu phong kiến về ngôi nhà (Đại Nam) ấy: vua Hàm Nghi, thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị (Trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (Học phi) và Thọ Xuân vương Miên Định.
15
“Ý chỉ Ba Cung [Tam Cung: Từ Dũ thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu Vũ thị (trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (học phi)] chuẩn cho Thọ Xuân vương là Miên Định quyền coi việc nước; phàm [mọi] việc [phải] tâu suốt Ba Cung, xin chỉ tuân hành”.
[Như thế] thời [:thì] tôn nhân, đình thần cùng với khâm sứ Pháp bàn lại hoà hảo như cũ. Duy chưa rước được vua về, lòng dân không biết [hệ] thuộc vào đâu, cho nên vâng mệnh tâu chuẩn cho thân vương [Miên Định] ấy nhiếp quyền coi việc nước, [để] khiến cho thần dân thiên hạ có sự thống thuộc. Đợi ngày nào xe vua về, thân vương [Miên Định] ấy sẽ vẫn sung làm phụ chính” (82) .
+++
“Ngày tân mùi [mùng chín, tháng sáu, Ất dậu (20.07 .1885)], xe vua ra chơi Bảo Đài, đừng đóng ở đấy:
([Bảo Đài thuộc Quảng Trị] giáp hạt Quảng Bình.
Ngày mồng năm [tháng sáu nguyệt lịch (16.07.1885)], án sát Quảng Trị là Tôn Thất Nam đi [Sơn] phòng [Tân Sở], cùng với [phụ chính Tôn Thất] Thuyết họp.
Ngày mồng bảy [tháng sáu nguyệt lịch (18.07.1885)], [phụ chính Tôn Thất] Thuyết lại kèm xe vua [từ một ngôi làng gần đó] đến Sơn phòng [Tân Sở], [lại] do [:theo] [đường] xã Thuỷ Ba đến Quảng Bình [tức là đi theo hướng từ Quảng Trị] trở về phía bắc.
Ngày mồng chín [tháng sáu nguyệt lịch (20.07.1885)], đêm, dừng xe đỗ ở xã [Thuỷ Ba] ấy.
Đi lần này, bao nhiêu vàng bạc hiện trữ ở [Sơn] phòng, [phụ chính Tôn Thất Thuyết] đều cho gánh đi hết.
Sau, có tin [thám] báo nói: “Lúc bắt đầu đi, vua bèn khóc. Các người đi theo cũng lau nước mắt, rồi theo đi””) (83) .
+++
“Ý chỉ Từ Dụ thái hoàng thái hậu lại xuống dụ cho các địa phương rước xe vua về và trị tội Tôn Thất Thuyết chuyên quyền làm bậy [!] (84):
“Dụ rằng:
“… Mới đây đô thống Pháp [De Courcy] đến nước ta, xin dâng quốc thư, làm lễ triều yết, yêu cầu Cơ mật viện đại thần cùng đi đến Sứ quán, muốn vì cho mặt ngoài [Bắc Kì] [được] bàn bạc để được cùng lòng lo tính chung nhau. Nhưng Tôn Thất Thuyết ngờ sợ không tới họp. Sau cùng bọn ấy lập mưu ngầm, không tâu vua biết và không bàn với đình thần, tự tiện dấy quân, trong thành náo loạn. Trong khi vội vã, phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường, tức thì đem lão cung [Từ Dụ thái hoàng thái hậu] và xe vua [Hàm Nghi] ra [khỏi] thành tạm lánh. Ta nhân dặn thầm đại thần ấy rằng: “Lui cùng với quan Pháp ở trong bàn tính; may được nghe lời và sớm tan quân”. Không ngờ Tôn Thất Thuyết không chống được một cuộc thua, dám lại đón đường rước xe vua đi thành Quảng Trị. Kịp [Tôn Thất Thuyết] tiếp phái [viên Phạm Hữu Dụng] báo Nguyễn Văn Tường, nghiệp [dĩ] đã về thành, đã thương lượng với quan Pháp hoà hảo như cũ. Lão cung nghe tin rất mừng, tức thì ngày mồng năm tháng [sáu nguyệt lịch (16.07.1885)] ấy cùng với Hai Cung [hoàng thái hậu Vũ thị (trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (học phi)] trở về Khiêm cung yên đỗ. Quan Pháp cũng vì đó mà vui mừng. Và [lão cung] đã chuẩn cho Thọ Xuân vương [Miên Định] quyền giữ việc nước để đợi hoàng đế hồi loan. Nguyễn Văn Tường vẫn sung coi sự vụ ở Cơ mật viện, và lục bộ, đường thuộc ở các bộ, cũng đều làm việc như cũ. Nhiều lần uỷ phái người đi rước xe vua. Tôn Thất Thuyết lại ép cõng vua do đường núi đi Quảng Bình ra Bắc. Vua khóc lóc phải theo, rất điều đau xót. Vả miếu xã tôn trọng, trong thuở Dực tông Anh hoàng đế [Tự Đức] hấp hối, cũng lấy sự đừng nên, kinh động làm lo. Tôn Thất Thuyết là người trong khánh phổ, ơn sủng sâu dày, không hay thể theo lời dặn, càng động lòng riêng, tự làm cho mình thoát hoạ, mà không nghĩ đến tôn xã trăm năm và ức vạn sinh linh, tự dám bỏ đi, lại lấy tiền bạc của Nhà nước. Như thế là làm nhầm cho nước, là người ác nhất thiên hạ vậy. Ai cũng có thể giết được… […] …”” (84).
“[…] Dụ đem niêm yết khiến đều chu tri [:biết rõ, biết trọn] (84) .
+++
“[Tam Cung, nhiếp chính lại ra lệnh dụ] tịch thu hết gia sản nhà Tôn Thất Thuyết, nhà Phạm Thận Duật và bắt cả gia thuộc (cha con, anh em, vợ con), giao giam chờ xét.
(Khi ấy mẹ, vợ, và con của [phụ chính Tôn Thất] Thuyết là [Tôn Thất] Đàm, [Tôn Thất] Hước, đều đã theo [phụ chính Tôn Thất] Thuyết đi rồi)” (85) .
+++
“Ngày mậu dần, lễ đại tường Điện Hoà khiêm [lăng Tự Đức]. […] Khi ấy [phụ chính Nguyễn] Văn Tường quyền sức cho Thừa Thiên phủ kính biện xôi thịt, lễ phẩm dâng tiến […]. [Từ Dũ thái hoàng thái hậu] dụ sai nhiếp chính Thọ Xuân vương, phủ thần tôn nhân cùng phụ [giúp] Nguyễn Văn Tường, khéo nói, bàn giảng [với bọn Pháp canh giữ ông, cả với bọn Pháp chiếm đóng tại lăng], đi tới kính xem, và nghiêm cấm phong toả, không cho ra vào [lăng], tiết độc [:gây ô nhiễm nơi lăng mộ]” (86) .
16
“Từ Dụ thái hoàng thái hậu dụ hỏi [phụ chính] Nguyễn Văn Tường về hiện tình phủ hạt Thừa Thiên và các địa phương Nam – Bắc, và [về] quân dân gặp nạn, ai đã chôn cất, [về] hoà nghị đã bàn định xong chửa (87).
[Từ Dụ thái hoàng thái hậu] lại dụ sai [bảo]: “Trong [triều], từ thượng thư, ngoài [tỉnh], từ [tổng] đốc, [tuần] phủ trở xuống, ai là người yếu nhát, kém cỏi, [hãy] tâu lên [để] trọng trị. Nên khởi dụng những người kì cựu như Trần Đình Túc, cho cùng làm việc”.
Tức thì [Từ Dụ thái hoàng thái hậu] duyệt xét những lời phúc [tâu] của [phụ chính Nguyễn] Văn Tường (87):
[LỜI PHÚC TÂU CỦA PHỤ CHÍNH NGUYỄN VĂN TƯỜNG]
[Tập tâu lược] nói:
“Ngày hai mươi ba, tháng [năm] trước [05.07.1885], có việc xảy ra. Chiều hôm ấy, thần [:Nguyễn Văn Tường] bàn với quân Pháp vào thành tạm đóng. Ngày hai mươi bốn [06.07.1885], hội đồng quan Pháp, yết thị hai nước đã hòa hảo như xưa, quan lại binh dân đều về như cũ.
Từ sau [kể] đi, thần hỏi các nơi ở ngoài: Từ ngày hai mươi ba, hai mươi bốn [05 – 06.07.1885] trở đi, những xã ở gần kinh thành, gián hoặc có bọn cướp bóc nổi lên. Đến ngày hai mươi sáu [08.07.1885], thần sức cho các viên huyện, rọâng đi tuần trập, bắt được hai, ba tên phạm, đem chính pháp ngay. Từ đấy đi, bọn côn đồ sợ có uy lẹânh của triều đình, dần phải liễm chấp. Hiện nay, [tình hình] dần được ninh thiếp, dân được yên ở. Tin tức các tỉnh Nam, Bắc, gần đây đều được cùng thông, cũng không có việc gì khác. Duy [:chỉ mỗi một, chỉ riêng một] có Lê Trung Đình [ở] tỉnh Quảng Ngãi nổi loạn, rồi cũng yên tĩnh.
Binh dân trong ngoài kinh thành bị thương, [bị] chết rất nhiều. Người bị thương đều đã lục tục về quê, còn người chết thì quan binh Pháp hoặc đốt đi, hoặc chôn cất, nay đã sạch sẽ.
Đến như điều khoản nghị hoà, quan Pháp bàn nói: “Chờ khi rước hoàng thượng hồi loan, giao trả thành trì, mới có thể bàn định được”.
Lại như quan viên trong ngoài, gián hoặc có người tài, có người không tài, vốn nên cất, bỏ. Nhưng nay ngôi lớn trong kinh chưa định, hiệu lệnh chưa thống nhất, sự thưởng phạt chưa nên vội ra, xin chờ sau sẽ làm. Và khởi dùng người cũ là việc cần kíp hiện nay, là duy Đình Túc, tuổi gần tám mươi, đi đứng thế khó khoẻ mạnh, Hoàng Tá Viêm, Vũ Trọng Bình lại bị bọn kia [:bọn Pháp] ngờ ghét, cũng khó giảng giải. Việc nhiều người ít, không biết làm sao, thần chỉ biết hết lòng, hết sức thôi.
(Việc Lê Trung Đình chép ở dưới)” (87) .
17
“Hà – Ninh quyền tổng đốc Nguyễn Hữu Độ về kinh, bàn bạc:
Thượng thư Pháp đóng ở Hà Nội là Sinh Bích [Silvestre] gửi thư cho quyền tổng đốc An – Định [Quảng Yên – Nam Định] là Phan Đình Bình, nên đi ra sung thay chức ấy [hiện của Nguyễn Hữu Độ]. [Phan] Đình Bình tiếp thư, đi Hà Nội họp, nói: “Đem việc xin tâu chờ mệnh [lệnh chuyển bổ]” (88) .
Vào ngày mười chín tháng sáu nguyệt lịch Ất dậu (30.07.1885), một bên là De Courcy, De Champeaux, Sil-vestre, Nguyễn Hữu Độ, một bên gồm mười lắm người, đó là Thọ Xuân vương Miên Định, Nguyễn Văn Tường và các quan tham biện, tư vụ trong Viện Cơ mật – Thương bạc, hai bên đã họp để thông qua phụ ước của “hoà” ước Giáp thân 1884. Phụ ước gồm sáu khoản, Pháp ép buộc triều đình Đại Nam chiến bại phải chấp nhận. Đó là chính sách “bảo hộ” của thực dân Pháp tại Tunysie (89):
+++ 1. Trung Kì và Bắc Kì có một chế độ “bảo hộ” gần giống nhau.
+++ 2. Lập một đạo quân do quan chức Pháp chỉ huy, nhưng do triều đình chịu tổn phí.
+++ 3. Lập ngân sách duy nhất cho cả Trung Kì – Bắc Kì.
+++ 4. Lập một Hội đồng Nội các (như Hội đồng Bộ trưởng, khác với Nội các của triều đình Đại Nam), trong đó, hễ bộ nào quan trọng thì có người Pháp tham dự cạnh thượng thư Đại Nam.
+++ 5. Triều đình Huế tuỳ theo sự đề nghị của quan kinh lược mà cử các quan hàng tỉnh (tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát) ở Bắc Kì, còn quan kinh lược thì tự mình cử quan phủ, huyện (tri phủ, tri huyện).
+++ 6. Pháp vẫn nắm quyền thương chính (hải quan), tạo tác (xây dựng, giao thông – công chánh), quân sự, ngoại giao (89).
Tên bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp tại Paris vẫn muốn chia cắt Trung Kì với Bắc Kì theo chủ trương “chia rẽ để dễ cai trị” , như “hoà” ước Giáp thân 1884, nhưng ở mức độ “bảo hộ” khủng khiếp hơn rất nhiều. Chính phủ Pháp, do tên thủ tướng Brisson cầm đầu, đồng ý theo tên bộ trưởng Bộ Chiến tranh ấy, liền điện tín qua cho De Courcy, vào ngày 13.08.1885 (ngày bốn tháng bảy Ất dậu):
+++ 1. Khâm sứ Pháp chủ toạ Hội đồng Nội các (Hội đồng Bộ trưởng) của triều đình Đại Nam.
+++ 2. Phụ chính, thượng thư Đại Nam muốn được cử ra thì phải được khâm sứ Pháp chuẩn y. Khâm sứ Pháp có quyền cách chức vô luận đại thần phụ chính hay thượng thư Đại Nam nào.
+++ 3. Chế độ “bảo hộ” ở Bắc Kì có thể được thực hiện ở những tỉnh Trung Kì, nếu khâm sứ Pháp thấy cần.
+++ 4. Triều đình Đại Nam phải chấp nhận và trả lương cho một phái bộ quân sự Pháp. Quân Nam triều sẽ không quá mười ngàn (10.000) người, và phải do người Pháp chỉ huy. Quân đội người Việt ở Bắc Kì phải biệt lập, triều đình Đại Nam ở Huế không có quyền hạn gì đối với số quân ấy (89).
Nhưng thực dân Pháp không thể áp đặt phụ ước bốn điểm đó của tên bộ trưởng Bộ Chiến tranh! Bởi ngay phụ ước sáu điểm (kiểu “bảo hộ” ở Tunysie) cũng đã khiến phong trào Cần vương bùng nổ mạnh hơn. Phụ chính Nguyễn Văn Tường phải đấu tranh trong việc đàm phán, song hành với phụ chính Tôn Thất Thuyết đang đẩy mạnh công cuộc kháng chiến: Đàm đi đôi với chiến trong sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Kháng chiến mà không đàm phán, sẽ tổn thương nhiều xương máu. Kháng chiến thất bại, sẽ dẫn đến đàm phán bất lợi. Không kháng chiến thì không đàm phán có hiệu quả. Đó là quy luật.
Chính nhờ phong trào kháng chiến Cần vương ngày càng mạnh mẽ, nên về sau, vào khoảng trung tuần tháng sáu Bính tuất (1886), ngay cả phụ ước sáu điểm ấy, tên thực dân toàn quyền Paul Bert cũng phải bãi bỏ, mặc dù triều Đồng Khánh chỉ là bù nhìn, tay sai:
“[Đồng Khánh] chuẩn cho xây dựng Nha thự Kinh lược Bắc Kì (ở Trường thi [Hương] Hà Nội).
Toàn quyền đại thần Bôn Be [Paul Bert] [thông] tư nói: Ngày tháng bảy [nguyệt lịch] năm ngoái [Ất dậu], đô thống Cô Suy [Cô Ra Xi, De Courcy] định ra sáu khoản điều ước mới, nước ta phần nhiều có thua thiệt. Nay đã đem bỏ bản ước ấy rồi” (90) .
Như thế, tuy phụ ước sáu điểm phải bị bãi bỏ, nhưng Nha Kinh lược sứ Bắc Kì vẫn còn hoạt động!
“[Phụ chính] Nguyễn Văn Tường tâu [với Từ Dũ thái hoàng thái hậu], nói: “Trước đây [khâm] sứ Pháp Tham Bô bàn nói: “Hiện nay sự tình đã khác. [Nguyễn] Hữu Độ làm việc ở Bắc đã lâu, nên sung kinh lược Bắc Kì, nhưng [Nguyễn Hữu Độ] hãy về kinh cùng bọn tôi cùng bàn, cùng giúp việc. Dăm ba ngày việc xong, [Nguyễn Hữu Độ] lại về Hà Nội làm việc, [còn Phan] Đình Bình sẽ về kinh nhận chức”. Nay [Nguyễn] Hữu Độ vào ngày mười bảy tháng [sáu nguyệt lịch (28.07.1885)] này, hiện [y] đã về [Bắc] rồi [về Bắc vào ngày mười chín tháng sáu Ất dậu (30. 07.1885)]. [Phan] Đình Bình đi Hà [Nội] cũng chỉ quyền tạm một thời [gian] thôi” (88) …
Nhức nhối nhất là Nha Kinh lược sứ Bắc Kì ấy đã bắt đầu hoạt động, ngay từ ngày mười chín tháng sáu nguyệt lịch Ất dậu (30.07.1885) này! Kẻ đứng đầu Nha Kinh lược Bắc Kì ấy là tên tay sai, xu thời, cơ hội chủ nghĩa, “xem gió chuyển buồm” Nguyễn Hữu Độ!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường không thể chỉ chống cự lại bọn Pháp, như De Courcy, De Champeaux, Caspar, không thể chỉ đấu tranh trong thuyết phục với Từ Dũ thái hoàng thái hậu, nhiếp chính giám quốc Miên Định, ông còn phải quyết liệt vạch trần bản chất bọn tay sai, xu thời, “xem gió chuyển buồm” , “bán nước cầu vinh” như Nguyễn Hữu Độ!
18
“Ngày nhâm ngọ [hai mươi tháng sáu Ất dậu (31.07. 1885)], xa giá vua [Hàm Nghi] đi đến sách [:buôn làng] Bờ Cạn:
([Phụ chính Tôn Thất] Thuyết lại kèm xe vua từ đồn Chấn Lào [:Trấn Lao] [khởi] đi. Ngày hai mươi tháng này thì đến sách [:bản làng]; đi một ngày nữa [thì] đến xã Mã Hạc; tới đồn [ấy] mất ba ngày đường).
Đinh Tử Lượng vâng mệnh [Từ Dũ, Miên Định] đi rước xa [giá] vua về, hiện [ông] theo kịp [đến] đó.
(Khi ấy Trương Văn Đễ cũng cùng [Đinh] Tử Lượng cùng sung phái đi đón xe vua, nhưng [Trương] Văn Đễ đi đường khác, cho nên không gặp).
Quan quân trông thấy xe vua ([bấy giờ, phụ chính Tôn Thất] Thuyết phụng xe vua, [bị] lộ ra). [Quan quân] không dám bắn súng. Chợt bị đạo quân Trần Xuân Soạn chắn ngang. [Quan quân] tản đi” (91) .
+++
“Khi ấy đạo quân [phụ chính Tôn Thất] Thuyết gián hữu có quân tỉnh Hà Tĩnh và lính thổ Ninh Bình do tiền thứ Phạm Thận Duật mộ đến lần trước được năm trăm (500) tên. Phủ thần Quảng Trị là Trương Quang Đản [thông] tư xin phái viên đi các tỉnh hiểu [bảo] [thông] sức khẩn [cấp] làm cho khỏi quan ngại. [Triều đình] bèn vâng ý chỉ [Từ Dũ, Miên Định], lấy thự Hình bộ hữu tham tri là Nguyễn Thành Ý, Công bộ tham tri Tôn Thất Phan, biện lí Hộ bộ Võ [:Vũ] Khoa sung làm khâm sai, chia [nhau] đi các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An, họp cùng với quân của nhiều phái viên chia đường dò đón, để rước xe vua [Hàm Nghi] trở về” (92) .
19
Trong thực tế, bọn thực dân Pháp đã hoàn toàn khuynh loát, lũng đoạn triều đình. “Đình thần nghị xử” hay “triều nghị” thực chất cũng do bọn Pháp như tên võ biền, bảo hoàng hạng nặng De Courcy, tên khâm sứ đầy thù hận và thâm độc De Champeaux, các cố đạo gián điệp cáo già như Caspar quyết định.
Quyền lực của triều đình Đại Nam chỉ còn từ Bình Thuận đến Cao Bằng, làm sao có thể lưu đày cựu đề đốc Tôn Thất Đính tận Gia Định? Cụ ông Tôn Thất Đính là người đã già nua nhưng vẫn “đi đóng ở sơn lăng [đồi núi, núi rừng], cư suất giúp tiễu” (93) (ở đấy để thúc đẩy, động viên kháng chiến diệt ngoại xâm viễn chinh và “tả đạo”) .
“[Hạ tuần tháng sáu nguyệt lịch năm Ất dậu,] an trí Tôn Thất Đính (cha Tôn Thất Thuyết, bảy mươi bốn tuổi) ở Côn Lôn [:Côn Đảo; quần đảo này đã là thuộc địa của Pháp].
([Cựu đề đốc Tôn Thất] Đính cùng với [phụ chính Tôn Thất] Thuyết đi theo xe vua, rồi do [viên] tỉnh phái bắt giải về kinh. Triều nghị [!] cho [rằng: Tôn Thất] Đính lúc bình nhật đã chẳng hay biết trước con [trai], đã không hay giới trập [:trấp]; lần này lại theo [Tôn Thất] Thuyết đi đóng ở sơn lăng, cư suất giúp tiễu [trừ giặc Pháp…]. [Vậy là] chung một tội ác, nên xử tử hình. Duy tuổi già, chuẩn theo họ mẹ làm Lê Đính, giảm xuống tội lưu, cho đi an trí)” (93) .
Ngày cựu đề đốc Tôn Thất Đính bị chính thực dân Pháp lưu đày là khoảng trong mấy hôm từ sau hai mươi tháng sáu nguyệt lịch và trước hai mươi lăm tháng ấy (từ 31.07.1885 đến 05.08.1885). Ông bị chúng áp giải xuống tàu thuỷ, chở vào Côn Đảo.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường đã rơi nước mắt, hình dung một ngày không lâu nữa, chính ông cũng sẽ bị lưu đày như thế, nếu không bị bọn Pháp xử tử hình.
Và một mảng sự thật lịch sử đau lòng khác trong thời điểm bấy giờ, về sau đã được ghi chép lại với nhãn quan bảo hoàng và chủ “hoà”, với cách đánh giá theo tiêu chí ngược (nghịch lí):
“Tịch thu gia sản của Hồ Văn Hiển và Trần Xuân Soạn, Phan Văn Mỹ, bắt cả gia thuộc giao giam chờ xét:
([Hồ] Văn Hiển tháng [năm nguyệt lịch] trước phụng giá ra [khỏi kinh] thành. [Phụ chính] Nguyễn Văn Tường phân phó cho đi hộ [tống xa] giá đến Khiêm cung tạm lánh ở đó. Rồi y lại theo [phụ chính Tôn Thất] Thuyết hộ [tống xa] giá đi Quảng Trị. [Sau đó] lại đi Sơn phòng [Tân Sở]. [Phụ chính] Nguyễn Văn Tường và phủ thần [Quảng Trị] Trương Quang Đản đã bốn lần viết thư dặn: “Hễ gặp quan binh, tức thì làm nội ứng, rước xe vua về”. Y bèn không nghe [theo lệnh dặn ấy].
[Trần] Xuân Soạn a dua [!]. [Phụ chính Tôn Thất] Thuyết khuyên [viên quan ấy] nên gây hấn [:nên chiến đấu].
[Phan] Văn Mỹ [vốn] đem tỉnh binh [:lính tỉnh] Hà Tĩnh theo [phụ chính Tôn Thất] Thuyết.
Cho nên gồm trị [cả ba viên ấy] về tội theo nghịch [nghịch thần!])” (94) .
Người chép sử không phải không biết đến nỗi khổ tâm của phụ chính Nguyễn Văn Tường. Nỗi khổ tâm ấy chính vua Hàm Nghi và phụ chính Tôn Thất Thuyết cũng thấu rõ: “Huân thần [:Nguyễn Văn Tường] tâm sự như thế, cáng đáng như thế, [huân thần ấy] thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (77) …
20
Có một lần, sau khi vua Hàm Nghi đã được phụ chính Tôn Thất Thuyết đưa lên Tân Sở đã được hai hôm. Bấy giờ, ở Huế, phụ chính Nguyễn Văn Tường chỉ mong vua Hàm Nghi tuyên cáo xong “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” theo như kế hoạch hai phụ chính đã bàn. Tuy nhiên, với sức ép của Pháp một phần, một phần khác, cũng theo như kế hoạch của hai phụ chính, phụ chính Nguyễn Văn Tường cũng mong nhà vua sẽ trở về Huế để tiếp tục lãnh đạo bằng mật dụ. Sự việc tuyên cáo “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” sẽ được xem như đặt bọn Pháp trước một sự đã rồi. Chúng vẫn không làm gì được, và phong trào Cần vương vẫn tiếp tục bùng nổ sau ngòi nổ chính thức ấy. Ở Huế, phụ chính Nguyễn Văn Tường không thể xác định được ngày nào vua Hàm Nghi tuyên cáo “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” . Ông viết sớ đệ trình ra nhà vua vào ngày hai mươi chín, cuối tháng năm thiếu, Ất dậu (11.07.1885):
“Thần vừa [nhận] được bức điện văn của Trương Quang Đản, cho biết rằng ba ngài hoàng thái hậu đang ngự trong hành cung tỉnh Quảng Trị. Thần đã thỉnh ba ngài về nghỉ tạm ở Khiêm cung. Quan Tổng tư lệnh Pháp [De Courcy] muốn mời bệ hạ cùng trở về một lượt với ba ngài” (95) .
Có một lần khác, khi tuần vũ Trương Quang Đản phóng ngựa vào Nha Thương bạc để xin yết kiến phụ chính đang là tù nhân Nguyễn Văn Tường. Họ cũng đi dạo trong sân vườn thuộc khuôn viên, dẫu chung quanh là những đôi mắt cú vọ của tên đại uý Schmitz và quân lính viễn chinh Pháp.
Sau một hồi thăm hỏi và bàn thảo về tình hình Đất nước hiện thời, phụ chính Nguyễn Văn Tường nói:
- Bọn De Courcy luôn hối thúc Tam Cung, Thọ Xuân vương và cả tôi viết sớ thỉnh mời đức vua Hàm Nghi về triều. Chúng bảo, nhà vua phải về mới trao trả hoàng thành. Chính phủ Brisson bên Paris cũng yêu cầu nằng nặc như thế. Theo quan tuần vũ, ta phải làm như thế nào?
Im lặng ngẫm nghĩ, một lát tuần vũ Trương Quang Đản thưa:
- Bẩm, theo tôi, ta cứ viết thêm một lần nữa sau ba lần kia. Nhưng phụ chính Tôn Thất Thuyết không muốn đưa vua về. Án sát Tôn Thất Nam khi lên Sơn phòng Quảng Trị họp, có nói điều này, tuy không nhấn mạnh, nhưng phụ chính Tôn Thất Thuyết chỉ lắc đầu. Kế sách chia tách, phối hợp vẫn được ông ấy duy trì, thực hiện, trừ điều đó.
- Cũng đúng thôi. Nếu có nhà vua ở Sơn phòng, những bản dụ sẽ có trọng lượng hơn. Sĩ dân, quan chức sẽ không còn ngại gì mà không khởi nghĩa. Nhưng tôi đã bàn với phụ chính Tôn Thất Thuyết từ lâu, là vua chỉ cần tuyên cáo “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” xong là đủ để sĩ dân, quan chức vin tựa vào đó, để thu lương, tuyển binh. Sau đó, là sẽ lãnh đạo bằng mật dụ. Thế mới là lưỡng toàn. Triều đình không thể rời Huế tất cả, kinh thành không thể bỏ trống, bởi lẽ bọn Pháp không lập vua Lê hậu duệ thì cũng dựng lên vua quan thuộc nhà Nguyễn nhưng chỉ là bù nhìn, do chúng hoàn toàn tuyển lựa. Tên De Champeaux, Caspar định lập Kiên Giang hầu Ưng Kỹ (hoàng tử thứ hai của tiên đế Tự Đức)! Quốc kế chia tách nhưng vẫn phối hợp triều chính không thể vi phạm luật cổ điển truyền thống là một bầu trời không thể có hai mặt trời, một nước không thể có hai vua! Tóm lại, quan điểm của tôi là vẫn phải rước vua Hàm Nghi về, triều đình tạm thời chịu “thoả hiệp” với Pháp, còn lực lượng kháng chiến vẫn do phụ chính Tôn Thất Thuyết lãnh đạo. Chức năng, nhiệm vụ của phụ chính Tôn Thất Thuyết cũng như bình Tây đại nguyên soái Trương Định ở Nam Kì trước đây vậy, nhưng ở quy mô lớn hơn, trường kì bền bỉ hơn, với sự chi viện bí mật, thường xuyên, liên tục về vũ khí, quân nhu. Tình hình hiện nay phải đi đến quyết sách như thế. Không chiến thì không đàm được. Không chiến thì triều đình tồn tại chỉ như lũ bù nhìn hình rơm mà thôi. Phải chiến cho bọn thực dân viễn chinh, thực dân cố đạo mỏi mệt, hao tổn các mặt, để trước mắt chúng chùn tay, không dám lấn ép, rồi rốt cuộc chúng phải buông bỏ mà về nước… Tất nhiên phải chiến nhưng không cậy thành cao hào sâu. Với súng đạn của chúng, thành cao hào sâu cũng thật khó giữ. Trước đây, Tân Sở chỉ là tị địa của hoàng cung… Các sơn phòng là trại đóng quân… Chiến thuật, chiến lược vẫn là lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đoản binh chống trường trận… Tôi đã nói với phụ chính Tôn Thất Thuyết nhiều lần, ông ấy đã đồng ý, không hiểu vì sao như thế…
Tuần vũ Trương Quang Đản nói nhanh với âm lượng nhỏ, vừa đủ hai người nghe:
- Tôi nghe tin phụ chính Tôn Thất Thuyết đã sang Trung Hoa cầu viện rồi. Còn vua Hàm Nghi do hai người con của phụ chính ấy chăm lo, phụng sự. Nhưng hẳn là tin thất thiệt… Để dập tắt phong trào Cần vương, bọn Pháp còn tung tin đức vua Hàm Nghi đã băng hà vì sốt rét rừng nữa kia…
- Tôi và Tam Cung có biết. Bọn Pháp tung tin thất thiệt đó, gây rúng động trong sĩ dân, cũng khiến tôi và Tam Cung choáng váng. May mắn thay là long thể vua Hàm Nghi vẫn an khang. Nhưng tin quan tướng phụ chính Tôn Thất Thuyết sang Trung Hoa, quả thật tôi chưa nhận được tin ấy. Hẳn chưa đúng đâu. Có thể nói chắc chắn là sai. Nhưng nếu có như thế thì cũng có điểm hợp lí, bởi phụ chính Tôn thất Thuyết có đưa vua Hàm Nghi sang Tàu, thì bọn Pháp cũng bắt đưa về nước ta mà thôi! Thậm chí, theo hiệp ước Thiên Tân, chính nhà Thanh lại bắt giúp cho bọn Pháp nữa là đằng khác! – Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường cố nén lại nỗi đau xót, ông không thể nói được nữa vì uất nghẹn –.
Một lúc khá lâu, phụ chính Nguyễn Văn Tường lại bảo:
- Quan tuần vũ thử suy nghĩ về kế sách tôi vừa nói xem sao, và phải đặt trong tình thế nước ta, bối cảnh chung của các châu Á Tế Á, Mỹ Lợi Kiên, Úc Đại Lợi, A Phi Lị Gia hiện nay, nhất là khi Trung Hoa nhà Thanh đã đầu hàng, kí kết hiệp ước Thiên Tân hồi cuối tháng tư Ất dậu vừa rồi, còn phía Xiêm, Lào, cũng đã bí đường!
- Lâu nay tôi đã có ít nhiều suy nghĩ về quốc kế đó. Về việc phụ chính Tôn Thất Thuyết sang Trung Hoa nhà Thanh, quả thật tôi có nghe nói phong thanh. Nhưng bây giờ mới biết là ông ấy vẫn còn quanh quẩn trên sơn phòng, thượng đạo Quảng Trị, Quảng Bình và vùng giáp giới Lào.
Hai người im lặng bước trong sân vườn khá râm mát. Cả hai người đều suy nghĩ, không nói gì.
Tiếng quan phụ chính Nguyễn Văn Tường lại khẽ cất lên:
- Điều phấn khởi nhất là vua Hàm Nghi, phụ chính Tôn Thất Thuyết phát động được phong trào Cần vương một cách rất khí thế và rộng khắp.
- Ai cũng biết là, trên Tân Sở ấy, quyết định cuối cùng chỉ do phụ chính Tôn Thất Thuyết mà thôi, mặc dù vua Hàm Nghi cũng chan chứa lòng yêu nước. – Tuần vũ Trương Quang Đản lại nói như tự nhủ –. Vâng, một nước không thể có hai vua… Bọn Pháp định sẽ đưa Kiên Giang quận công Ưng Kỹ lên ngôi!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường chợt tắt nụ cười, thở dài:
- Tình hình bi đát quá thì cũng phải đành thế! Chính lúc bọn Pháp tung tin thất thiệt, rằng vua Hàm Nghi bị sốt rét rừng và đã băng hà, tôi và Tam Cung cũng suýt chấp nhận tôn lập hoàng tử Ưng Kỹ, vì không còn ai trong diện có thể tôn lập. Tuy nhiên, đến giờ khắc này, mọi người đều biết chắc vua Hàn Nghi vẫn còn khoẻ mạnh. Đó là cả một niềm vui mừng lớn! Và dĩ nhiên, một nước không thể có hai vua. Đúng như quan tuần vũ nói… Một nước có hai vua, tình hình sẽ khốc liệt, như Lê – Mạc, thời Nam – Bắc triều, như họ Trịnh ở Đàng Ngoài – nhà Nguyễn bản triều ở Đàng Trong, những thuở phân tranh… Rất đau lòng! Nhưng… Bọn Pháp cứ thúc ép tôi và Tam Cung tôn lập Ưng Kỹ! Ưng Kỹ là người như thế nào, tiên đế Tự Đức đã nhận xét một cách xác đáng. Không thể theo ý đồ tôn lập Ưng Kỹ của bọn Pháp được! Mặc chúng thúc ép! Chẳng lẽ ta thúc thủ sao?(*)… Quyết không đầu hàng giặc, không bó tay trước tình huống gay go, bế tắc… Lúc này, phải làm sao đập tan những cuộc phục thù, cướp chính quyền của bọn “tả đạo” ở các tỉnh, phủ, huyện. Những nơi nào lực lượng Cần vương mạnh, các quan chức của triều đình nên giả vờ bắn chỉ thiên qua loa rồi trao thành trì cho họ, còn các quan ấy tạm ẩn trú. Như thế, có nghĩa là, để trao toàn quyền cho lực lượng Cần vương “sát tả”, nếu chúng lộng hành… Bằng bất cứ giá nào cũng phải đập tan những cuộc phục thù, cướp chính quyền do “tả đạo” tổ chức! Phải cố gắng ra sức… Chắc cũng chẳng còn bao nhiêu ngày nữa, bọn Pháp sẽ lưu đày tôi như cụ cựu đề đốc Tôn Thất Đính mà thôi! Bọn Pháp đang canh gác quanh đây dày đặc… Không thoát được…
- Vâng, tôi sẽ cố sức… Quan phụ chính yên tâm.
Hai vị quan, phụ chính và tuần vũ, ngồi trên băng ghế đá, thứ đá lấy từ Thanh Hoá, quen gọi tắt là đá Thanh, giữa sân vườn rợp hoa lá của Nha Thương bạc, lặng nhìn dòng sông Hương lấp lánh sáng qua các kẽ lá trên hàng giậu chè tàu.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường khẽ bảo tuần vũ Quảng Trị Trương Quang Đản:
- Những ngày gần đây, sau cuộc kinh đô quật khởi, tôi có viết một bài thơ, lấy tên là “Giải triều” (chia tách triều chính) . Tôi đọc để quan tuần vũ nghe, xem ra sao.
“Tam thập niên lai phí kỉ kinh
Vô đoan dạ bán bách sầu sinh
Kì khai tam sắc, vân lôi biến
Già thính song xuy, kê khuyển kinh
Sơn kính vạn trùng thương thuý liễn
Thần tâm nhất dạng luyến đan đình
Thị phi nhiên phó thiên thu hậu
Xã tắc quân vương, thục trọng khinh?” (96)
Ba chục năm qua phí trí mình!
Nửa đêm, gian tả ép buồn sinh
Cờ chia ra khoảnh; mây giông nổ
Kẹp xiết theo roi; gà chó kinh
Núi biếc vạn trùng thương kiệu Ngự
Lòng son một thể luyến sân Đình
Phải, chăng, xin gửi nghìn thu luận
Theo nước – phò vua, đâu trọng, khinh? (96)
Gươm phí bao năm, mấy bút mòn
Nửa khuya, vô cớ ép bùng hờn
“Tam tài”, cờ xổ; giông quyền sấm
Roi cặp, kẹp tra; chó rủn hồn
Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc
Lòng tôi một dạng giữ sân son
Đúng, sai, ấy gửi nghìn sau luận
Nhẹ? Nặng? Phò vua? Luyến nước non? (96)
Nha Thương bạc đã thành chốn lao tù cho một tù nhân vốn đang là phụ chính đại thần. Nơi đây, không thể chuyển trao giấy bút, nên không còn cách nào khác, tuần vũ Trương Quang Đản phải học thuộc lòng bài thơ ấy. Bài thơ đầy tâm trạng ấy như khắc vào tâm hồn ông, nhưng quan tuần vũ vẫn lo âu có một vài chữ hoặc một câu nào ông lỡ quên mất.
Nắng tháng sáu vẫn chang chang trên kinh đô Huế tan nát, đau thương như một niềm bi tráng.
21
Ngày hai mươi lăm tháng sáu nguyệt lịch, Hàm Nghi nguyên niên, Ất dậu (05.08.1885), “[Thọ Xuân vương Miên Định] sai đình thần kiểm soạn thư tịch, dời đóng ở vương phủ Gia Hưng cũ làm việc. […]. Duy Nguyễn Văn Tường và những viên dự sung vào Viện Cơ mật, đều lưu ở Nha Thương bạc” (97) .
Ngày mười chín tháng sáu nguyệt lịch Ất dậu (30.07.1885), De Courcy, De Champeaux, Silvestre và Nguyễn Hữu Độ đã ép triều đình Đại Nam kí phụ ước sáu điểm. Hơn sáu ngày trôi qua, De Courcy, De Champeaux không thấy phụ chính đại thần lãnh thượng thư Bộ Lại Nguyễn Văn Tường viết và kí văn bản thăng chức, bổ nhiệm Nguyễn Hữu Độ làm kinh lược sứ Bắc Kì theo dụ của Từ Dũ thái hoàng thái hậu và nhiếp chính Thọ Xuân vương, như chúng đã ép buộc họ chấp nhận theo phụ ước sáu điểm. Cả hai tên “De” này cảm thấy rất bực bội, chúng liền hối thúc thượng thư Bộ Lại Nguyễn Văn Tường. Hôm nay, ông đã phụng dụ với một thủ thuật “bì lí xuân thu” khiến Nguyễn Hữu Độ, lúc này y đã ra Hà Nội, rất căm giận.
“Lấy quyền tổng đốc Hà – Ninh là Nguyễn Hữu Độ thăng thự Vũ Hiển điện đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần, vẫn sung Bắc Kì kinh lược đại sứ (98):
“Khi ấy [Nguyễn] Hữu Độ đã trở về Hà Nội, đô thống Pháp là Cô Ra Xy [De Courcy], khâm sứ là Tham Bô [De Champeaux] bàn nói:
“Hiện nay Bắc Kì lắm việc, [Nguyễn] Hữu Độ ở đấy hiểu nhiều, nên trao cho điện hàm [Vũ hiển], sung viện chức [Viện Cơ mật], và vẫn sung chức sứ ấy. Phàm [tổng] đốc, [tuần] phủ, bố [chánh], án [sát], ở các tỉnh Bắc Kì, cho đến các phủ, huyện [ngoài đó], nếu nơi nào có khuyết, cho do Nha Kinh lược sứ [Bắc Kì] chọn tâu, chờ chỉ định đoạt”.
Nhiếp chính Miên Định, phụ chính Nguyễn Văn Tường phúc tâu [:tâu lại lên Từ Dũ và Hai Cung]: “Việc đó là TẠM THỜI, nghĩ nên tạm nghe ý đó mà làm”.
[Phụ chính Nguyễn] Văn Tường nhân phụng dụ [của Từ Dũ] nói: “TRẢI BÀY LÍ DO” [chứ không phải tuỳ tiện, muốn truất giáng, thăng bổ ai cũng được!]. Lại nói: “Do ngươi, tuy việc thoả bàn vụ hợp thời nghi, để xứng với lời khen của người mới được”. Vì ý ám chỉ chê [Nguyễn] Hữu Độ nương tựa vào thế quan Pháp, để được ngôi cao, mà không phải tự bản ý do mệnh lệnh của triều đình vậy.
(Trước đây, [hai vị phụ chính] Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết cho rằng [Nguyễn] Hữu Độ ở Hà Nội phần nhiều hay nịnh hót, quan Pháp rất được vui lòng. Cơ mật viện nhiều lần đem việc tâu lên, [xin nhà vua] chuẩn cho khiển giáng hay triệu về, [Nguyễn] Hữu Độ đều được quan Pháp che chở, rất là đáng ghét.
Ngày tháng bảy năm ngoái [Giáp thân, 1884], [hai phụ chính và đình thần] khuyên Bùi Hữu Tạo lấy việc xây sinh từ [của Nguyễn Hữu Độ] để tâu hặc, vì muốn nhân đó để đẩy [Nguyễn] Hữu Độ đến tội. [Nguyễn] Hữu Độ chứa sự bất bình đã lâu.
Gần đây, đô thống Pháp [De Courcy] từ Bắc về Sứ quán, tức thì trước mời [phụ chính Nguyễn] Văn Tường và [phụ chính Tôn Thất] Thuyết đến họp. [Phụ chính Tôn Thất] Thuyết ngờ sợ cho là hẳn [Nguyễn] Hữu Độ đã có ngầm chỉ thế nào, nên mới như thế, cho nên sau không chịu đi; bèn gây hận [!].
Đến đây [Nguyễn Hữu Độ] về kinh. [Nguyễn Hữu Độ] lại đến Sứ quán, rồi về nhà riêng [của y tại Huế], uỷ [nhiệm người] đón nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định tới bàn với [phụ chính Nguyễn] Văn Tường. Và [Nguyễn Hữu Độ] gièm [trước rằng], không bàn với Thọ Xuân vương thì đừng đi.
Kịp khi [Nguyễn] Hữu Độ tới Sở Thương bạc mà [phụ chính Nguyễn] Văn Tường ở đó, hai người nói chuyện với nhau, đã hơi có ý khiếm hòa [:thiếu hòa khí].
[Phụ chính Nguyễn] Văn Tường phụng dụ này [thăng chức, bổ nhiệm cho Nguyễn Hữu Độ], lời lẽ lại có ý chê ngầm theo kiểu bì lí xuân thu [:bề ngoài với lí lẽ khác nhau như mùa xuân với mùa thu]. [Nguyễn] Hữu Độ tiếp dụ, giận lắm, nhân đó càng thêm để lòng)” (98).
Phụ chính Nguyễn Văn Tường đã xác định rõ, việc chấp nhận phụ ước sáu điểm chỉ là TẠM THỜI, mọi việc truất giáng, thăng bổ quan chức Bắc Kì đều phải TRẢI BÀY LÍ DO. Ông kiên quyết động viên, thúc đẩy phong trào Cần vương để giúp triều đình còn giữ được chủ quyền ít nhiều cũng như “hoà” ước Patenôtre – Phạm Thận Duật (Giáp thân 1884) , và nếu có thể, phải buộc chúng chấp nhận trở lại “hoà” ước Giáp tuất 1874. Việc thăng chức và bổ nhiệm cho Nguyễn Hữu Độ cũng chỉ là tạm thời như thế, thậm chí là không có giá trị gì cả. Ông đã viết vào bản dụ trước đây, khi phải nhân nhượng tên tướng Millot, vẫn để Nguyễn Hữu Độ giữ chức tổng đốc Hà – Ninh, nhưng vẫn phải giáng y xuống hàm cửu phẩm, hàm thấp nhất trong ngạch hàm quan chức: “Phù phi nhạn tập, vô quan tổn ích ư giang hà; mã lão ngưu phì, bất ngoại sinh thành ư thiên địa” (con le le bay đi, con nhạn đậu lại, không thêm bớt gì bên sông; con ngựa già, con trâu mập, không ngoài sự sinh thành trong trời đất) (99) . Hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết bấy giờ gần như nói thẳng với tên tay sai, xu thời, “xem gió chuyển buồm” Nguyễn Hữu Độ rằng: Nguyễn Hữu Độ có giữ chức tổng đốc thì cũng không có gì thay đổi, vì đã bị vô hiệu hoá (như viên lính mới nhập ngũ lại giữ chức tướng!); tất cả mọi việc giáng chức, thăng chức đều thuộc quyền thiên tử nước Đại Nam (chứ không phải dựa hơi bọn Pháp xâm lược mà được, vì nhân dân hiện thời hoặc hậu thế sẽ phỉ nhổ). Lần này, bọn Pháp muốn thăng bổ Nguyễn Hữu Độ điện hàm Vũ hiển, sung viện chức đại thần Viện Cơ mật, lại là kinh lược sứ Bắc Kì với quyền lực như một “phó vương”. Thực chất, qua đó, chúng muốn cắt đứt Bắc Kì ra khỏi triều đình Đại Nam. Đất đai núi sông Bắc Kì vẫn còn thuộc Nam triều, nhưng nhân sự hoàn toàn của Pháp! Như thế là gần như mất đứt Bắc Kì, chỉ thiếu nỗi biến Bắc Kì thành thuộc địa như Nam Kì! Do đó, hôm mười chín tháng sáu nguyệt lịch vừa rồi, phụ chính Nguyễn Văn Tường nói như quát vào mặt tên tay sai Nguyễn Hữu Độ ấy, y chỉ là một thứ “bán nước cầu vinh” mà thôi! Bốn chữ “bán nước cầu vinh” thật đích đáng! Và với thủ thuật “bì lí xuân thu” , ông cho Nguyễn Hữu Độ hiểu, tuy vẫn thăng bổ như thế nhưng y sẽ chẳng có quyền hạn gì trong thực tế.
Thật sự, đó là một cuộc đấu tranh trong điều kiện hạn chế với tình thế lúc ấy để chống bọn cơ hội chủ nghĩa, xu thời, tay sai của thực dân Pháp, nhằm góp phần giữ vững triều Nguyễn. Đó hoàn toàn không phải là sự hiềm khích cá nhân tầm thường.
22
Đầu thượng tuần tháng bảy lại nổ ra một sự kiện đau lòng. Mặc dù quyền lực ở triều đình, ngay ở Viện Cơ mật, đã bị Pháp chi phối, lũng đoạn (đến mức De Champeaux đã giữ chức thượng thư Bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần!), phụ chính Nguyễn Văn Tường vẫn gắng gỏi trong chừng mức có thể để dập tắt chiến tranh lương – giáo, và tôn phù bọn chủ “hoà” như Tuy Lý vương Miên Trinh (100).
“… Bình Sơn tả vệ hương binh chánh quản là cử nhân Lê Trung Đình, hữu phó quản là bọn tú tài Nguyễn Tự Tân, Vũ Hội [thuộc võ hội hương binh?], và thương biện Nguyễn Văn Hoành cho rằng, xe vua đã ra, lại nghe có Dụ Cần vương, muốn nhân đó dấy quân, tức thì tới tỉnh xin cấp khí giới lương xướng. Tỉnh thần cho rằng lính hương binh chỉ canh giữ nơi làng xóm, không ví với lính tỉnh được, không dám tự tiện cấp, đợi chạy giấy mời những quan viên tại quán [:quan hưu trí] bàn nghĩ, sẽ làm. Bọn [Lê Trung] Đình, [Nguyễn Tự] Tân bèn chia phát binh phu làm ba đạo, tất cả hơn ba ngàn (3.000) tên. Trước ngày mồng hai tháng [bảy] này [11.08.1885], [quân Cần vương] tiến đến tỉnh thành. Hiệp quản Trần Tu, thành thủ úy là Nguyễn Côn mở cửa nội ứng. Bọn ấy sấn vào tỉnh thành, đem hai viên bố [chánh], án [sát] ra thành giam trói, thu lấy ấn triện, binh trượng, tiền lương, [và] buông tha tù phạm, [đồng thời] trước chém một tên suất đội, hai tên dân đạo, [lại] cất nguyên Tuy Lý vương Miên Trinh (nguyên được giáng tước công, an trí ở trong tỉnh thành này) làm phụ chính quốc vương. Miên Trinh không theo, giả làm có bệnh nằm lì không dậy. Bọn ấy [:quân Cần vương] bèn đặt những danh chức ngụy là thống đốc, tham tán, đề đốc, lãnh binh, đốt nhà và giết chết dân giáo, làm việc ngang ngược không kiêng nể ai. Quyền tiễu phủ sứ ở Sơn phòng Nghĩa Định là Nguyễn Thân báo với tổng đốc Bình – Phú là Lê Thận ([Lê] Thận đã ủy [nhiệm] cho án sát Bình Định là Lê Duy Cung đi cùng Sơn phòng [Ngãi – Định] họp làm), ủy [nhiệm] cho Đinh Hội đem hơn chín trăm (900) biền binh tiến tiễu.
Ngày mồng năm tháng [bảy] ấy [14.08.1885], [quân Sơn phòng Ngãi – Định] đến tỉnh [lị Quảng Ngãi], chia quân sấn vào thu phục tỉnh thành, và [thu lại] ấn triện bố [chánh], án [sát], bắt sống được [Lê] Trung Đình, và giết được bọn [Nguyễn] Tự Tân tất cả bảy tên. Còn dư [quân Cần vương] đều trốn chạy. [Nguyễn Thân, Đinh Hội] bèn đưa hai viên phiên [:bố chánh], niết [:án sát] về dinh. Tiễu phủ sứ [Nguyễn Thân] ấy tức thì ủy cho mời các quan viên ở quán họp bàn.([Đó là các quan hưu trí:] nguyên Lễ bộ thượng thư là Đỗ Đệ, thự đốc Bình – Phú là Nguyễn Trọng Biện [ Nguyễn Hiệp], tuần phủ Nam – Ngãi là Đoàn Nhượng, biện lí Công bộ là Vũ Duy Tĩnh (nguyên [tên] cũ là Văn Thanh)). Và [Nguyễn Thân] tư bàn với tuần phủ Nam – Ngãi là Nguyễn Ngoạn, quyền lưu hai phiên, niết, [cho họ] nhận ấn làm việc, để chờ mẹânh triều đình.
Và [đối với Lê] Trung Đình, [Nguyễn Thân ra lệnh] chém ngay. [Chém xong,] rồi người ta báo cho Hộ bộ lang trung [Hồ Ngọc Hào] biết.
Khi nhân việc tản về, Nguyễn Hữu Tạo cũng mưu khởi binh. Nguyễn Thân lại [lập] tức phái viên biền [binh] đến thẳng nhà bắt giết ngay, thu cả đồ binh trượng.
(Viên huyện Mộ Đức nói: “Do Sơn phòng thần [:quan Sơn phòng] báo, nói phong văn [:nghe phong thanh], nghe [Nguyễn] Hữu Tạo ngày hai mươi lăm tháng sáu [06.08. 1885] âm mưu họp đảng, kiểm xét, sửa sang các đồ binh trượng đi Bình Định để giết giáo dân).
[Đinh Hội, Nguyễn Thân] đều đem việc báo lên, hạt Quảng Ngãi nhân được yên ổn.
Đến đây Cơ mật viện cho rằng Sơn phòng ấy sớm hay làm tắt được ngòi cơ biến, [Thọ Xuân vương Miên Định] nghĩ chuẩn theo đặc cách thưởng cất cho Đinh Hội, Nguyễn Thân để tỏ sự khuyến khích. Còn bọn dư đảng nguyên đi theo [Lê] Trung Đình đã tan về thì miễn khỏi cứu xét” (100) .
Phụ chính Nguyễn Văn Tường lâu nay vẫn biết lão tướng Đinh Hội là một quan võ tốt. Ngoài ra, đến bấy giờ, quả thực, ông mới bắt đầu hé thấy bản chất gian ác và xu thời của Nguyễn Thân. Nguyễn Thân lần này giải quyết vụ Lê Trung Đình như thế xem ra cũng “tạm ổn” (!), nhưng dẫu sao, qua vụ việc đó, Nguyễn Thân cũng đã bắt đầu hé lộ, tuy chưa thật lộ rõ bản chất gian ác và xu thời ấy. Nguyễn Thân đã lộng quyền, chém Lê Trung Đình trước, mới báo cáo cho lang trung Bộ Hộ Hồ Ngọc Hào biết (100)! Y được De Champeaux khen thưởng! Sự nhập nhằng trong vụ việc phản ánh quan điểm không thể thống nhất, thậm chí phủ định nhau trong các thành viên Viện Cơ mật, bởi lúc này, oái oăm thay, De Champeaux lại là thượng thư Bộ Binh kiêm Cơ mật viện đại thần của triều Nguyễn!
Chống việc tôn phù bọn chủ “hoà”, như Lê Trung Đình yêu nước, nhưng quờ quạng tôn phù Tuy Lý vương Miên Trinh là không thể sai lầm… Trong chính trị, thậm chí có những sai lầm đáng tiếc và những nỗi khổ tâm phải đành ngậm đắng nuốt cay…
Còn chiến tranh lương – giáo? Hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã phân biệt rõ bọn cố đạo cướp nước, bọn giáo dân phản quốc, đích thực là “tả đạo” với bao tu sĩ Thiên Chúa giáo, giáo dân lương thiện khác trên thế giới. Hai phụ chính và bao quan chức, sĩ dân yêu nước chỉ “sát tả” khi cố đạo, giáo dân có hành vi cướp nước, bán nước thực sự.
Hiện thực máu lửa ở Bình Định và khắp cả nước bấy giờ là có thật. Chính nhiều người Pháp cũng viết rõ, tuy với sự thổi phồng sự thật, trong một mức độ không ít, để kích động giáo dân ở Pháp và ở các nước Âu Mỹ, nhằm biện hộ cho sự xâm lược, “bảo hộ” của chúng!
“Các người chống Pháp nói rằng: “Những người Thiên Chúa [giáo] phản bội Tổ quốc để làm lợi cho nước Pháp. Chúng ta chỉ hòa bình khi nào người Pháp không có sự ủng hộ trong nước…”” […]. “Việc đánh lấy Thuận An, và buộc chấp nhận đô hộ làm cho ông phụ chính [Nguyễn Văn] Tường tức giận tột độ; nhưng ông Tường âm thầm, cẩn thận đè nén sự tức giận để dùng nó vào một dịp thuận lợi” (101).
“Bấy giờ mới nổi cơn bão táp rất dữ dội quá sức; từ khi nước Nam có đạo chẳng hề bao giờ bổn đạo phải cực khốn cực nạn bằng bấy giờ; vì trước kia, khi cấm đạo, chỉ có quan quân đi bắt bớ mà thôi, còn dân ngoại thì chẳng lo việc ấy, lại cũng thương kẻ bị bắt bớ. Còn lần này quan và dân ngoại đều đồng tâm hiệp lực mà quyết tận diệt kẻ có đạo” (102).
“… Các quan chức không muốn dính líu vào, sợ có sự không may về sau [cách diễn đạt của Delvaux!], nên để việc đó cho các sĩ phu đảm nhận, còn riêng họ vẫn ở trong bóng tối.
Trong các tỉnh, trong khi các sĩ phu chuẩn bị chiến đấu, thì các vị quan lớn lo trấn an các công chức của chính quyền bảo hộ cũng như các vị linh mục và giáo dân. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi rồi, các sĩ phu tiến chiếm thành trì của các tỉnh, và các quan tỉnh thì nhanh tay giao nạp các thành trì ấy, sau một vài sự phản kháng qua loa; và như thế là những cuộc cắt cổ [!sic !] bắt đầu” (103) .
23
“Ý chỉ Từ Dụ thái hoàng thái hậu, ra ơn chuẩn cho Tuy Lý huyện công Miên Trinh, Hoằng Hoá hương công Miện Duyện, Hải Ninh kì ngoại hầu Miên Tằng và con phế đế [Hiệp Hoà] là Ưng Hiệp, Ưng Bác, con của nguyên Gia Hưng vương (đã chết bệnh) là Ưng Huy, Ưng Chân, Ưng Dũng, Ưng Linh, Ưng Suất, Ưng Vệ, (trừ Ưng diễn bị bệnh chết), trước đã an trí ở các tỉnh: Tuy Lý ở Quảng Ngãi, Hải Ninh ([ở] Bình Định), Hoằng Hoá ([ở] Phú An [:Yên]); Ưng Hiệp, Bác và Huy đều ở Quảng Trị, Cam Lộ; Chân, Dũng ở Nghệ An; Linh, Suất, Vệ ở Hà Tĩnh; nay đều tha về kinh [đô] ở. Nhưng do ba công ấy xem xét con cháu theo đi an trí, hạnh kiểm thuần cẩn ấy, có một, hai người cùng về, cùng nhau sáng chiều ăn ở với nhau. Dư [:số còn lại] đều vẫn như cũ. (Đến đời Đồng Khánh năm đầu, các công tử cũng đều chuẩn cho về, các vương công cũng đều lục tục [được] khai phục và truy phục)” (104) .
+++
“Thị độc ở quê là Đặng Hữu Phổ vì có tội bị chém đem rao:
[Đặng] Hữu Phổ, người ở Đông giáp, Bác Vọng, con phò mã Đặng [Huy] Cát (ấm thụ hàm ấy). Khi ấy phủ Thừa Thiên sức huyện Quảng Điền đòi bắt lính. [Đặng Huy] Cát cùng [Đặng] Hữu Bác ngăn gạt đi, bắt giam huyện phái. [Đặng] Hữu Phổ lại đem dân quân hơn ba mươi (30) tên đến huyện nha, buông thả tù phạm, nã bắt viên bang biện huyện ấy, đem về đình [của] giáp ấy canh giam, cầm súng doạ bắn.
Việc ấy đã phái cho nã xét.
[Từ Dũ thái hoàng thái hậu, Thọ Xuân vương Miên Định] chuẩn cho [Đặng] Hữu Bác [Phổ?(*)], chiểu lệ côn quang, [phải bị] xử trảm; [Đặng Hữu] Cát vì cha con cùng can [án], [được] giảm đẳng [:giảm mức] xuống tội trảm giam hậu [:chém, nhưng giam chờ xét lại]; bọn hiệp quản Lê Văn Ngãi, ấm sinh Nguyễn Tán, cộng năm người, là tòng phạm, đều kết án đi đày” (105) .
24
“[Đầu trung tuần tháng bảy nguyệt lịch năm Ất dậu,] phái viên Pháp bắt thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần là Phạm Thận Duật về Sở Thương bạc, rồi ép xuống tàu thuỷ, chạy đi Gia Định:
([Phạm] Thận Duật nguyên theo [xa] giá vua, rồi khi [ông] về đến Quảng Trị, bị phái viên của Pháp bắt được)” (106) .
Khi thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật bị bọn Pháp đẩy xuống chiếc tàu thuỷ nhỏ để đưa xuống chiếc thuyền buôn lớn hơn, tên tàu là Calais, chở ông vào Gia Định, phụ chính Nguyễn Văn Tường lại một lần nữa hình dung ra cảnh ấy vào một ngày không còn lâu nữa, và người bị lưu đày lại là chính ông. Phụ chính Nguyễn Văn Tường lại một lần nữa suýt phải rơi nước mắt thương cảm cho đồng sự, đồng chí, may là còn nén lòng để giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm trước cảnh tượng hôm nay, một ngày trung tuần tháng bảy nguyệt lịch.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường còn nhớ, ngày mười tám tháng sáu (29.07.1885), Phạm Thận Duật bị bắt “khi [ông] về đến Quảng Trị” (106) . Hôm Pháp giải ông vào Nha Thương bạc, Phạm Thận Duật vốn đã ốm yếu lại càng ốm yếu. Tên Schmitz hỏi cung Phạm Thận Duật về hành trình phụ chính Tôn Thất Thuyết đã đi và nguyên nhân nào ông rời khỏi đoàn xa giá để về Quảng Trị, ghé vào nhà cựu thượng thư Trần Đình Túc ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). Sự thật không cần nói cũng biết phụ chính Tôn Thất Thuyết và đoàn ngự giá chỉ quanh quẩn ở các sơn phòng, thượng đạo Quảng Trị, Quảng Bình. Số lượng người cứ hao mòn dần vì sốt rét rừng… Và Phạm Thận Duật bị bệnh tiểu đường, không thể tiếp tục cuộc chạy trốn khỏi sự săn đuổi của Pháp và cả quan quân triều đình muốn đón rước vua Hàm Nghi về Huế.
Khi được gặp phụ chính Nguyễn Văn Tường, thượng thư Phạm Thận Duật có một thoáng vui mừng trong sự mệt mỏi.
Không còn cách nào khác để tránh sự theo dõi của bọn Pháp, các cuộc chuyện trò giữa hai người tù đại thần vẫn phải diễn ra trong những lần “đi dạo” ở khuôn viên sân vườn Nha Thương bạc. Phụ chính Nguyễn Văn Tường nói một cách thân tình:
- Quan Bộ Hộ sao lại về Gio Linh làm gì? Đã như thế, hãy sang lưu trú tại Trung Hoa luôn. Bệnh tật vậy, ở rừng làm sao có thuốc thang…
Thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật mỉm cười héo hắt:
- Không đi đường thượng đạo nổi, nên tôi xuôi sông ở Quảng Trị… Tôi định ra đường biển, qua biển Bắc (Trung Hoa). Dẫu hiệp ước Thiên Tân Pháp – Trung đã kí, nhưng thế nào mà chẳng còn một nơi cho người bệnh như tôi tá túc. Nếu đi đường rừng, hẳn an toàn hơn, nhưng không thể đi nổi…
Phụ chính Nguyễn Văn Tường thở dài:
- Tình hình triều đình bây giờ rất căng thẳng và đau đớn hơn bao giờ hết. Nhưng phong trào Cần vương lên mạnh, rất khí thế.
- Nhưng rồi cũng tuyệt vọng thôi. – Thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật nói –. Ở ngoài Bắc, hầu như Nguyễn Hữu Độ đã nịnh hót Pháp mà xiết chặt từ tỉnh đến làng xã. Chỉ có một số nơi hưởng ứng Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương nhưng rất lẻ tẻ…
- Dẫu sao cũng là những nỗ lực đáng quý. Nhưng tình trạng lúc này tranh tối tranh sáng rất đau lòng, như vụ con trai của phò mã Đặng Huy Cát và công chúa Tĩnh Hoà (nữ sĩ Huệ Phổ, con gái tiên đế Minh Mạng).
- Vụ Đặng Hữu Phổ phải không?
- Đúng, chính chú ruột của Phổ là Đặng Huy Xán đã bắt cả Phổ và phò mã Đặng Huy Cát nộp cho giặc Pháp (107). Nghe đâu bọn Pháp sẽ xử chém Đặng Hữu Phổ vào ngày áp cuối tháng tám dương lịch (29.08.1885) ngay tại bến đò làng Bác Vọng, huyện Hương Điền.
- Đúng là “nồi da xáo thịt”, trách ai được!
- Chính Từ Dũ thái hoàng thái hậu và nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định đã cắn răng, rơi nước mắt phê chuẩn! Tình cảnh bất lực và đau đớn của triều đình hiện nay là thế.
Cả hai đại thần đều im lặng thở dài.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường cố giữ vẻ điềm tĩnh của một người không mất nghị lực:
- Nhưng tôi quyết tiếp tục đấu tranh, cho đến lúc nào còn đấu tranh được. Như vụ Nguyễn Hữu Độ chẳng hạn. Ngoài những nhiệm vụ lớn, tôi cũng không xem nhẹ việc đấu tranh chống những tên cơ hội, xu thời, “xem gió chuyển buồm” như Nguyễn Hữu Độ. Nhưng nói cho đúng, đấu tranh chống lại việc giao quyền lực kinh lược sứ tại Bắc Kì cho Nguyễn Hữu Độ, thực chất là đấu tranh để khỏi mất hẳn Bắc Kì vào tay giặc Pháp. Ngày mười chín tháng sáu nguyệt lịch Ất dậu (30.07.1885) và mới cách đây mấy hôm, khoảng ngày hai mươi lăm tháng sáu (05.08.1885), tôi đã cho Nguyễn Hữu Độ và bọn De Courcy, De Champeaux biết thế nào là phải phép!
Có Phạm Thận Duật tại nhà tù Nha Thương bạc này, phụ chính Nguyễn Văn Tường cũng thật sự cảm thấy đỡ buồn, vì có một đại thần đã từng chung nhau nhiều công việc để chuyện trò.
Nhưng bọn Pháp không thể không chở thượng thư Phạm Thận Duật vào khám lớn tại Sài Gòn để khai thác thêm những thông tin về vua Hàm Nghi và phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cùng kế hoạch của Viện Cơ mật trước ngày kinh đô quật khởi và thất thủ (05.07.1885).
Mười một ngày sau, mùng một tháng bảy (10.08.1885), thượng thư Phạm Thận Duật bị bọn Pháp ép xuống tàu buôn Calais. Phụ chính Nguyễn Văn Tường biết bọn Pháp chở dần từng người vào nhà lao của chúng để khảo cung. Nghe đâu, đến ngày hai mươi (29.08.1885), thượng thư họ Phạm bị kí giam vào khám đường La Grandière (*) tại Gia Định. Liệu thượng thư Phạm Thận Duật có biết im lặng hoặc biết nói sai sự thật?
Có một điều khác với cựu đề đốc Tôn Thất Đính là Phạm Thận Duật không bị kết án gì và cũng không có cáo trạng nào cả! Người ta không hiểu vì sao như vậy…
25
“… Tháng trước [tức là tháng sáu nguyệt lịch, Ất dậu], thân hào tỉnh ấy cũng nghe hành tại có Dụ Cần vương, mưu dấy quân, bèn họp đem những lính kinh tan về và lính dõng ở dân, [đi] đốt phá nhà [thờ] đạo [Thiên Chúa], dìm giết giáo dân, rồi đem binh dân ước hơn vạn người, [đi] quanh tới tỉnh thành, yêu cầu cấp cho khí giới (đã [ép] bách giám đốc thần là Lê Thận lại cho về dinh), ngụy đặt những danh mục đề đốc, tham tán, lại đi khắp trong hạt giết dân giáo, mộ lính dõng, nói phao lên tiến đánh quân Pháp ở cửa Thi Nại.
Khâm sứ Pháp là Tham Bô [De Champeaux] bàn phái: Cho khâm sai đã [nhận] mẹânh [lệnh], cho Binh bộ tham tri Hoàng Hữu Thường sung phái ngồi tầu thủy Pháp chạy đi.
Lúc đó vì đường ngăn trở, phải trở về.
Khâm sứ Pháp [De Champeaux] lại bàn tục phái [:phái tiếp]: Đổi sai thị lang Bộ Lễ là Ngô Trọng Tố (lãnh bố chính sứ tỉnh ấy về trước, tình thế đã am hiểu).
Rồi vì đường dịch lộ Quảng Ngãi không đi được, [De Champeaux] lại [bàn]: Sai lãnh bố chánh sứ Quảng Nam là Bùi Tiến Tiên (nhưng lấy án sát Hà Thúc Quán quyền sung bố chánh sứ Quảng Nam, [và] Hồng lô tự khanh về nuôi cha mẹ, là Nguyễn Duy Hiệu sung làm án sát sứ); thự thống chế Ngô Tất Ninh sung chánh, phó khâm sai, [cai] quản [và] đem quan binh hai tỉnh Nam – Ngãi bảy trăm (700) tên đi ngay đến, họp làm.
[Tất cả] đều nhân đường ngăn trở chưa đi được.
Đến đây thự tổng đốc là Lê Thận tâu nói: “Đã họp văn thân quan viên trong hạt ấy hiểu dụ. Bọn ấy đã tản về, xin nên rộng tha, cho yên sự phản trắc…” […]
“… […] Nếu còn giữ thói mê, do các quan đô thống [Pháp De Courcy], khâm sai [của triều đình?] đem đại đội quan binh, không kể lương hay giáo, cũng phải đau lòng đánh dẹp…”” (108) .
26
“Thống chế thự đô thống Tả quân là Đinh Tử Lượng chết (109):
[Đinh] Tử Lượng trước đến hành tại Quảng Trị. Từ khi xe vua đi Sơn phòng [Tân Sở], [ông] vẫn lưu lại ở tỉnh ấy, vâng lệnh khâm cấp [:lệnh do thái hậu, nhiếp chính ban ra] để đi về miền Bắc đón rước xe vua [Hàm Nghi]. [Ông] cùng [tham tri Bộ Binh] Trương Văn Đễ cùng đi. Đến cửa quan Quảng Bình, [ông] ốm chết, [thái hậu, nhiếp chính] chuẩn cho chiểu hàm cấp tuất.
([Tham tri Bộ Binh Trương] Văn Đễ sau về [tới] tỉnh Quảng Trị ốm, [rồi] mất. Nguyên hàm thự tham tri đã chuẩn cho truy trao, cấp tuất)” (109) .
Tham tri Trương Văn Đễ cũng như thự đô thống Đinh Tử Lượng, một người nhận lệnh bí mật lẻn về sau khi lên Tân Sở (110), một người vẫn đóng quân tại thành Quảng Trị, đều để cản hậu, làm nút chặn sự truy kích của giặc Pháp. Sau đó, cả hai vị quan tướng này lại nhận lệnh tìm vua Hàm Nghi để rước về kinh đô. Rất nhiều sĩ dân bấy giờ không thể không hiểu quốc kế chia tách – phối hợp triều chính với luật cổ điển “một nước không thể hai vua” và tính giai đoạn của nhiệm vụ họ được giao phó. Nhưng thật lòng vẫn có người ngờ rằng cả hai vị không phải đơn giản là ốm bệnh mà chết! Cho dù quả thật do bệnh ốm mà chết, bọn Pháp vẫn truy tội cố tham tri Trương Văn Đễ ngay trong tháng sau…
27
“Ý chỉ Ba Cung [thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị (trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (học phi)], lại xuống dụ cho thân hào, giám linh mục ở các địa phương trong [kinh], ngoài [tỉnh] và các dân lương, giáo: […] (111)
“… TỪ ĐIỀU ƯỚC TÁI ĐỊNH [PATENÔTRE, 1884] ĐÃ ĐƯỢC PHÂN MINH, KHIẾN NƯỚC PHÁP TRƯỚC TỰ BẠI HÒA GÂY BIẾN, THÌ PHÀM AI Ở ĐẤT VUA, CŨNG ĐỀU THÙ GHÉT [GIẶC PHÁP], AI BẢO LÀ KHÔNG NÊN. KHÔNG GÌ BẰNG CUỘC NGHĨA CỬ ĐÊM HAI MƯƠI HAI THÁNG NĂM [22 THÁNG 5 ẤT DẬU (05.07.1885)] NĂM NAY…” (*) (111) .
Cuộc kinh đô quật khởi được Tam Cung đánh giá cao như một loé sáng bi tráng trong các bản dụ! Bà Nguyễn Nhược thị Bích và Tam Cung vốn khá chủ “hoà”, vẫn viết và tuyên cáo được những dòng chữ bi tráng tuyệt vời chính xác, mãi mãi loé sáng đến thiên thu như thế! Phải chăng do tác động bừng bừng khí thế vì quốc thể và danh dự một triều đại trong cuộc kinh đô quật khởi, mặc dù thất thủ một cách đau thương? Nếu đúng như thông lệ, các bản dụ đều có sự tham gia ý kiến của Viện Cơ mật, thì rõ là, có sự nhập nhằng trong sự chỉ đạo, vốn phản ánh quan điểm không thể thống nhất, thậm chí phủ định nhau trong các thành viên Viện Cơ mật. Ngoài ra, các bản dụ còn thể hiện sự nhập nhằng, lẫn xanh với đỏ, lẫn nếp với đậu, trong nhận định tình hình như thế (bởi lúc này, oái oăm thay, De Champeaux lại là thượng thư Bộ Binh kiêm Cơ mật viện đại thần của triều Nguyễn!).
Và cũng là ánh sáng độc lập, tự chủ bừng lên, với tư thế đã khiến kẻ thù đã phải sợ hãi, khi bản dụ xử lí minh bạch cuộc chiến tranh lương – giáo, thực chất là trấn áp bọn “tả đạo” cướp chính quyền, được viết và tuyên cáo (112):
“… Đến đây lại lấy hai bên bình, giáo còn chưa yên, [Ba Cung: thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị (trung phi), hoàng thái phi Nguyễn Văn thị (học phi)] lại dụ thêm rằng:
“Bình, giáo dù có khác lỗi, nhưng đều là con đỏ của Triều đình, không nên chia rẽ khác nhau. Gần đây, có nhiều việc giống nhau và khác nhau. Người làm dân lương ghét vì không đồng đạo [không cùng đạo thờ kính anh hùng dân tộc, thờ kính tổ tiên lâu đời của người Việt Nam] mà trong lòng sinh nóng lạnh. Người làm dân giáo, cậy thế [thực dân Pháp, cố đạo Pháp] lấn át, mà tình ruột thịt đem đặt ra ngoài da. Hai đằng ghét nhau thì hai đằng hẳn thù nhau, thì thế cố nhiên như thế. Nhưng xét kĩ ra thì đầu đuôi cũng tự người đầu mục không khéo xử trí cho nên nỗi ấy.
Ôi! Nhà nước dựng nên quan tư mục, cốt để trị dân. Làm sư đạo [giám mục, linh mục] của dân một địa phương, phải nên giữ lòng minh chính. Hoặc có kẻ bị ghét quá đáng, một khi kiện cáo, gia thêm nạt nộ mà dân giáo uất ức không bày tỏ được. Hoặc sợ hơi nóng bốc lên, gặp có sự lăng ngược, một chiều nín náu, mà ẩn tình của người dân lương không bày được. Làm giám linh mục ấy, trách nhiệm giảng giáo, phải nên giữ lòng công bình. Bình dân [:dân lương] hoặc có kẻ trốn tránh dao thuế, mà chạy vào nhà [Thiên Chúa] giáo ấy, hoặc có kẻ tranh chiếm ruộng đất mà nhờ thế [Thiên Chúa giáo] ấy, [thì] đều bao dung cả. Đến nỗi, có kẻ cậy thế mà bức bách người, hoặc có kẻ khinh thường pháp luật mà không đoái, đều không phải là sở ý của Thiên Chúa dạy dân. Kẻ bình dân kia sao không nghĩ cùng ở đất vua, đều là dân vua, giáo dân bình nhật binh đao thuế khóa cùng với lương dân cùng thế. Gián hoặc bức hiếp bình dân vì lẽ gì, sao không tới địa phương quan mà tố cáo, mà dám hại nhau, ngược đãi nhau ngang trái như thế, đối với pháp luật thực khó dung. Giáo dân ấy sao chẳng nghĩ sinh ở đời này, tam giáo cửu lưu, đều có đạo cả, nào ai có cấm đâu mà bèn mượn thế lấn người, đến nỗi chứa bao thù oán, lòng sao nỡ thế. Ôi! Giáo đã không dung được lương, thì lương cũng không cam tâm chịu thua giáo, phải đến tranh nhau, khiến cho trong chốn làng xóm, không lấy ơn lễ ở với nhau mà lại trông nhau như thù nghịch. Giết người, đốt nhà, tội có nhỏ đâu, mà lại đem thêm thử pháp luật như việc gần đây xảy ra ở Bình Định và Quảng Ngãi, rất là quái gở, đáng giận, cần nên tỏ rõ điển hình để răn bảo. Nhưng nghĩ bọn ngươi một khi giận dỗi, dám làm điều trái đạo, rồi hay cải hối được. Nếu chẳng uốn nắn cầu toàn, hẳn đến ngọc đá đều cháy. Trong lòng ta thực không nỡ thế, [nên] đã chuẩn gia ơn cho miễn sự tra xét một lần.
Từ nay nên hậu tình hòa hảo, không nên ghen ghét lẫn nhau. Làm người coi địa phương phải ngay sáng để xướng xuất, mà sự oan uổng cần được thân lí. Làm giám linh mục phải công bằng để dạy dỗ, mà sự ghen ghét phải bỏ đi. [Phải như thế] khiến cho cùng thuận, cùng giúp, cùng phù trì nhau, hai bên hoà thuận thì còn gì vui bằng. Nếu không khéo khu xử, đều tự thù hằn nhau, thì đều có tội để xử. Địa phương quan, [thì triều đình] chiếu theo lệ nịch chức nghiêm trị. Giám linh mục, [thì triều đình] tư sang nước Pháp nghĩ xử.
Đều nên kính cẩn nhé! Thông lục đều tuân”.…” (112) .
Về cuộc chiến tranh lương – giáo, nhất là tại Bình Định, giữa lương dân bảo vệ chính quyền với “tả đạo” cướp chính quyền, các cố đạo Puginier và Van Camelbeck không tiếc lời nguyền rủa phụ chính Nguyễn Văn Tường, người đã cam kết với chúng thế này nhưng lại ra mật lệnh thế kia:
- Nguyễn Văn Tường ấy, lão già quỷ quyệt ấy là “KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA NƯỚC PHÁP” (113) !
- Lão phụ chính Nguyễn Văn Tường ư? “Nguyễn Văn Tường là một người An Nam điêu toa nhất mà người ta đã gặp” (113) !
Về sau, tên cố đạo Aldophe Delvaux làm ra vẻ khách quan:
“Tướng De Courcy lấy tin tức [ở] ông Tường, ông này đều bảo đảm rằng sự trật tự an ninh đang hình thành khắp nơi. [Trong khi đó], các tin tức báo động dồn dập từ miền nam [tả kì] được gửi đến. Tướng Prudhomme muốn biết tường tận tình hình thật sự các việc, đã được ông De Courcy chấp thuận và cho phép đến các nơi ấy. Ông đi cùng ông De Champeaux trên chiếc tàu “Le Lutin” và đến Quy Nhơn ngày 18.8, và ông đã mục kích toàn là máu lửa” [!sic !] (114) .
Lời cáo buộc và nguyền rủa ấy của những kẻ không phải là tu sĩ chân chính, mà là tu sĩ mang bản chất thực dân thâm ác và cuồng bạo, khiến người ta không tin vào sự thổi phồng quá đáng về hậu quả chiến tranh lương – giáo, nhưng vẫn thấy rõ sự thù hận của chúng đối với phụ chính Nguyễn Văn Tường.
Nhưng cái chính khiến các tên thực dân Pháp âu lo là mối liên lạc thường xuyên giữa hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trong kế sách chia tách – phối hợp triều chính:
“Một sự mâu thuẫn sâu xa chia rẽ tướng De Courcy và ông De Champeaux, nhất là đối với vấn đề ông phụ chánh Tường. Vị tướng thì quả quyết là ông Tường luôn luôn liên lạc với ông Thuyết và [trước đó] lại nhúng tay vào mọi cuộc âm mưu lật đổ, và [vì thế,] đem [ông Tường] xuống tàu, đày đi Côn Đảo ngày 06.09 [1885]… […] lại chuyển đến Tahiti […]. Ông De Champeaux lại cho rằng ảnh hưởng của ông Tường là rất lớn… […]” (115) .
28
[TƯỚNG GIẶC DE COURCY BẮT GIAM, KẾT ÁN, LƯU ĐÀY PHỤ CHÍNH NGUYỄN VĂN TƯỜNG; VÀ KHÂM SỨ GIẶC DE CHAMPEAUX CÁO THỊ RỘNG KHẮP VỀ VỤ VIỆC:]
“ĐÔ THỐNG ĐẠI PHÁP LÀ CÔ RA XY [DE COURCY] BẮT THÁI PHÓ, CẦN CHÁNH ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, LÃNH LẠI BỘ THƯỢNG THƯ, KIÊM SUNG CƠ MẬT VIỆN ĐẠI THẦN, KÌ VĨ QUẬN CÔNG, LÀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG XUỐNG TÀU THỦY CHẠY ĐI GIA ĐỊNH (116):
CỨ THEO LỜI CÁO THỊ CỦA KHÂM SỨ THAM BÔ [DE CHAMPEAUX] NÓI: “[VIÊN QUAN HUẤN ĐẠO, TRI HUYỆN, TÁN LÍ, THƯỢNG THƯ NGUYỄN] VĂN TƯỜNG TỪNG ĐÃ CHỐNG CỰ NƯỚC [NƯỚC PHÁP] ẤY THỰC ĐÃ NHIỀU NĂM. TỪ KHI CÙNG TÔN THẤT THUYẾT SUNG LÀM PHỤ CHÁNH, [NGUYỄN VĂN TƯỜNG] CHỈN [:VỐN] LẠI ĐỔNG SUẤT QUAN QUÂN NỔI DẬY CÔNG KÍCH QUAN BINH NƯỚC [NƯỚC PHÁP] ẤY; VÀ [PHỤ CHÍNH NGUYỄN] VĂN TƯỜNG DO ĐÔ THỐNG ẤY XIN [CHÍNH PHỦ PHÁP] CHO HAI THÁNG [NHẰM ĐỂ] LO LIỆU VIỆC NƯỚC CÙNG BẮC KÌ CÙNG ĐƯỢC LẶNG YÊN VÔ SỰ; [KÌ THỰC] ĐẾN NGÀY HAI MƯƠI BẢY (27) THÁNG [BẢY] ẤY [05.09.1885] HẾT HẠN, MÀ CÁC TỈNH TẢ KÌ VỀ PHÍA NAM, CÓ NHIỀU NƠI NỔI QUÂN CHÉM GIẾT DÂN GIÁO.
ĐẾN ĐÂY ĐÔ THỐNG [DE COURCY] ẤY ĐỊNH ÁN, ƯNG [:NÊN / PHẢI] KẾT [PHỤ CHÍNH NGUYỄN VĂN TƯỜNG] TỘI LƯU”.
HÔM ẤY, [BỌN PHÁP] CHỞ ĐEM [PHỤ CHÍNH NGUYỄN] VĂN TƯỜNG ĐẾN CỬA BIỂN THUẬN AN. BUỔI CHIỀU NGUYỄN HỮU ĐỘ, PHAN ĐÌNH BÌNH ĐI TÀU THỦY PHÁP CŨNG VỀ ĐẾN CỬA BIỂN ẤY.
(THUYỀN PHÁP CHỞ [PHỤ CHÍNH NGUYỄN] VĂN TƯỜNG ĐẾN GIA ĐỊNH, SAU CHỞ GỒM CẢ [THƯỢNG THƯ BỘ HỘ] PHẠM THẬN DUẬT, [CỰU ĐỀ ĐỐC] LÊ ĐÍNH [:TÔN THẤT ĐÍNH] ĐEM VỀ NƯỚC ẤY [THUỘC ĐỊA TAHITI CỦA PHÁP]. [PHẠM] THẬN DUẬT TRONG KHI ĐI ĐƯỜNG, BỊ ỐM, CHẾT Ở TRONG TẦU, [PHẢI BỊ] BUÔNG XÁC XUỐNG BIỂN)” (*) (116) .
Ngay sau khi phụ chính Nguyễn Văn Tường bị Pháp bắt đưa xuống tàu thuỷ, sáng hai mươi tám tháng bảy Ất dậu (06.09.1885), tại Quảng Trị, các sĩ phu Văn thân đã lãnh đạo nhân dân, phát động một cuộc “bình Tây sát tả” thật dữ dội. Những tên cố đạo Pháp, thực chất là gián điệp, như Mathey (117) (tên tiếng Việt là Thiện) chẳng hạn, đã bị lùng bắt, nhưng vẫn có tên thoát được. Sĩ dân đã đập tan âm mưu cướp chính quyền của bọn Tây “tả đạo” đó, và cũng để phục hận cho thái phó phụ chính Nguyễn Văn Tường.
“Một vài nhà truyền giáo trong tỉnh và một vài ông quan cho biết rằng năm 1885 [Ất dậu], nhất là vào tháng chín (9), tỉnh Quảng Trị đã là hiện trường của một cuộc tiêu diệt có phương pháp, được tiên liệu, có tổ chức, để loại trừ các người theo đạo Chúa, gây ra bởi đảng của Văn thân, có sự ủng hộ tinh thần của ít nhất là hai quan phụ chính…” (118) .
Chính tên Mathey, cố đạo gián điệp người Pháp này, sau đó, đã dẫn đường cho bọn Pháp viễn chinh mang súng đạn lên đánh phá Tân Sở và đốt cháy các làng Bảng Sơn, Mai Đàn gần đó (117)!
29
“Đô thống Pháp là Cô Ra Xi [De Courcy], khâm sứ Tham Bô [De Champeaux] đưa thư nói giao trả thành trì, yêu cầu rước Ba Cung đều [từ Khiêm lăng] trở về cung điện [trong hoàng thành]; quan lại các nha ở sáu bộ vào thành đóng ở, làm việc như cũ; phàm các [vật] hạng ở trong kinh thành đều giao trả cả. Và [hai tên đô thống Pháp là Cô Ra Xi [De Courcy], khâm sứ Tham Bô [De Champeaux]] cáo thị cho trong kingh [đô], ngoài tỉnh rằng:
“Trước đây, Nguyễn Văn Tường đã giảng hoà. Đô thống Pháp [De Courcy] đã đánh điện về triều Pháp biết. Gần đây, mới điện [qua,] phục lại ngôi hoàng đế nước Đại Nam như trước, Nhà nước Đại Nam cũng y như cũ. Cho nên, tới đây mới nói rõ sự giao trả thành trì” (119)…
“Mậu thìn (tức ngày mồng bốn tháng [tám] [12.09. 1885] này), chỉ dụ chuẩn rước Kiên Giang quận công [Ưng Kỹ] vào nối ngôi hoàng đế” (120).
“… Lấy ngày mồng sáu [14.09.1885] kính rước vào thành, ngày mười một [19.09. 1885] làm lễ tấn quang [vua bù nhìn, ngụy vương đầu tiên: Đồng Khánh]…” (120) .
Ở phiến tấu về lễ đăng quang, cái tên tiếng Pháp của thượng thư Bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần Đại Nam là De Champeaux đứng đầu danh sách triều thần, trên cả nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định và hai tên đại thần tay sai Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, đã nói lên thực trạng bi thảm của triều đình nhà Nguyễn!
Chính triều nhà Nguyễn hầu như hoàn toàn cáo chung từ đấy. Đồng Khánh là tên vua khởi đầu cho giai đoạn ngụy triều ô nhục.
30
Sau hai tháng vùng quẫy trong những sợi dây càng ngày càng thít chặt của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã hoàn toàn chịu trói.
Quốc kế chia tách – phối hợp triều chính không thể thực hiện được một khi triều đình vắng bóng những đại thần như phụ chính Nguyễn Văn Tường, thậm chí còn bị phản tác dụng một cách đau lòng nữa là đằng khác (một nước lại có hai vua, huynh đệ tương tàn!).
Thế là triều đình hoàn toàn mất vào tay giặc Pháp, kể từ ngày hai mươi bảy tháng bảy (05.09.1885), ngày phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường bị giặc Pháp bắt xuống tàu thuỷ. Chuyến tàu lưu đày hôm ấy có lộ trình là chở ông vào Côn Đảo, sau khi ghé Gia Định để chở thượng thư Phạm Thận Duật và cựu đề đốc Tôn Thất Đính!
Khi tàu thuỷ cập bến Thủ Ngữ tại Sài Gòn, phụ chính Nguyễn Văn Tường vẫn không muốn nguôi quên cuộc kinh đô quật khởi bi tráng, những tên trư tử người Pháp lao đầu vào chỗ chết và vị vua trẻ Hàm Nghi ông đã hết lòng vun xới, phù tá, đang trên các nẻo đường thượng đạo, sơn phòng. Ông cảm khái đọc hai câu song thất:
“Tây trư tựu trở bì do xích
Nam giáng li chi quả vị hoàng” (121)
Lợn Tây lao thớt, da nên trụi
Măng Việt rời cành, trái chửa hườm (121)
Tuy vậy, phụ chính Nguyễn Văn Tường vẫn thấy rõ, cảm nhận rõ Đất nước đang bừng sôi một khí thế bi tráng của phong trào Cần vương, một phong trào bùng dậy như nước vỡ bờ bởi “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” và bởi sức mạnh quật khởi hoàn toàn tự giác của nhân dân Đại Nam ta.
31
Hai tháng trước, vào ngày rằm tháng năm Ất dậu, kì thi đình đã được tổ chức để tuyển chọn nhân tài cho Đất nước. Mười ba sĩ tử đạt trúng cách và thứ trúng cách được dự kì điện thí này. Trong kì thi ấy, chàng trai trẻ mười tám tuổi ta, con trai của Nguyễn Thượng Phiên, nhà ngoại giao đã từng đi vận động các nước châu Á ủng hộ nước ta chống Pháp và đã có thời gian lưu trú tại Quảng Châu (Trung Hoa), là Nguyễn Thượng Hiền. Ông nổi bật lên một cách xuất sắc, bên cạnh một chàng trai khác, đó là Nguyễn Văn Mại. Hai người thanh niên này, dẫu về sau một theo khuynh hướng chủ chiến, một ngã dần rồi ngã hẳn theo phía chủ “hoà”, với nhãn quan và cái dũng của ngòi bút khác nhau, đều đã thi xong, quyển được chấm xong. Nhưng kết quả chưa kịp truyền lô, cuộc kinh đô quật khởi đã bùng nổ.
Nguyễn Văn Mại, một viên quan chủ “hoà” về sau, nhưng lúc này đã ghi nhớ giúp phụ chính Nguyễn Văn Tường hai câu song thất: “Tây trư tựu trở bì do xích, Nam giáng li chi quả vị hoàng” . Nguyễn Thượng Hiền lại da diết hơn với bài thơ xót xa đến nhức nhối về cảnh Đất nước hoàn toàn mất hẳn vào tay giặc Pháp sau hai tháng vùng quẫy, giẫy giụa đầy bi tráng của triều đình tại Huế. Nguyễn Thượng Hiền suy ngẫm về bối cảnh của Đất nước, về ba đại thần Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Thuyết, và cả gia đình vị phụ chính Tôn Thất này, trong đó có cả cựu đề đốc Tôn Thất Đính, người đã theo con trai lên rừng núi, bị giặc bắt được và bị chúng kết án là “cư suất giúp tiễu [trừ giặc Pháp và “tả đạo”]” (93) . Bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền thê thiết đến đứt ruột nhưng vẫn ấm lửa bi hùng và thơm ngát hương sen, trung trinh “tơ lòng” không lìa “ngó ý” .
Một hôm vào khoảng trung tuần tháng tám Ất dậu (1885), Nguyễn Văn Mại, thủ khoa kì thi hương năm ngoái (1884), có gặp Nguyễn Thượng Hiền. Mại chỉ dám khe khẽ tâm sự:
- Hiền này, mình có được đọc bài thơ “Huyền Vũ lâu tiền mãn địa sương” của anh, thấy sợ giùm anh thật! Bọn Tây hay “tả đạo” nó chộp được thì bọn chúng lôi anh ra pháp trường Bắc Dã ngoài An Hoà ngay!
- Vậy chứ anh cũng đã theo “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” ra Quảng Trị… – Nguyễn Thượng Hiền đáp –.
- Mình buồn cho mình quá, muốn theo phò vua Hàm Nghi kháng chiến, nhưng thấy tuyệt vọng quá, đành quay về!
Nguyễn Thượng Hiền muốn trào nước mắt, anh nghiến răng, bậm môi lại. Một lúc Nguyễn Thượng Hiền mới nói được:
- Chiến không được, thủ không được, hoà không được, mình cũng đành quyền nghi bằng văn thơ thế thôi. Chắc phải nuôi chí đợi một thời, thế, cơ mới…
Nguyễn Văn Mại, hơn hai tháng nay đâm ra nhát, sau mấy ngày lặn lội ra Quảng Trị tìm đường phò vua. Mại nói như tự nhủ:
- Còn Mại này chắc phải “hoà” thôi… Văn Thiên Tường, vốn làm quan đến hữu thừa tướng triều Tống, khi nhà Tống sắp bại vong bởi quân Nguyên, ông ấy được cử đi bàn hoà với tướng giặc, bị chính tướng giặc Nguyên ấy bắt giữ lại… – Nguyễn Văn Mại bỏ lửng điển tích anh hùng bất khuất đến chết đó –. Bọn mình khác với hữu thừa tướng Văn Thiên Tường, bọn mình còn trẻ, chưa nặng nợ chi… Đỗ kì này, chưa được chút đỉnh chung nào cả, mà phải gánh nặng mấy trăm năm cựu triều… Tâm trạng một anh đồng hương Quảng Điền, Thừa Thiên, đồng khoa điện thí với bọn mình cũng nói rứa! Hiền có trách mình thì trách…
- Anh đồng hương Quảng Điền, Thừa Thiên nào vậy? Người trúng cách duy nhất vừa rồi phải không?
- Đúng là Trần Đạo Tiềm đó. Anh ta nói nguyên văn như ri: “Xưa ông Văn Thiên Tường bái tướng [bàn hoà], khí thế nước đã đến lúc nguy vong, mà thân [phải] gánh nặng ba trăm năm cơ nghiệp nhà Tống. Chúng ta đăng khoa kì này cũng là một sự bất hạnh [!] vậy” (122) .
Và Nguyễn Thượng Hiền, chàng trai mười tám tuổi, tân khoa kì thi hội, chưa kịp được công bố kết quả xếp hạng tiến sĩ ở bậc nào, không thể đọc lại cho Nguyễn Văn Mại, người bạn đồng khoa thi đình của anh, bài thơ “Huyền Vũ lâu tiền mãn địa sương” , bài thơ Hiền vốn rất tâm đắc. Nguyễn Thượng Hiền tự bảo mình, mình không thể ngã lòng rồi quyết chủ “hoà”, với tính toán cá nhân tầm thường như Trần Đạo Tiềm được!
[VÔ ĐỀ]
Huyền Vũ lâu tiền mãn địa sương
Dũ phong đình nguyệt thái thê lương
Sơn xuyên cố quốc âm tình cải
Nhung mã toàn gia đạo lộ trường
Không quá Tây môn bi thái phó
Thùy tòng Bắc hải vấn trung lang
Ngu uyên thử nhật vô tiêu tức
Trường đoạn thanh khê bích ngẫu hương (123).
Mai Sơn
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
(1868 - 1925)
[KHÔNG ĐỀ]
Trước lầu Huyền vũ, đầy đặc [trên] đất [là] sương
Gió [lùa qua] cửa sổ, trăng [chiếu rải ngoài] sân,
quá đỗi thê lương!
Sông núi nước cũ (:triều đại cũ, trước 05.07. 1885(*)),
giọng tiếng [và] lòng dạ đã biến đổi
[Cùng] binh lính, [vó] ngựa,
cả gia đình
[trên] đường sá [với] lối nẻo [đang mở rộng,
kéo ra] dài dặc
Cái hư không (:Trời) đến cửa Tây (**),
khóc không để lộ nước mắt
(đau đớn khóc thầm) thái phó
Ai giúp giùm biển Bắc, [xin] hỏi viên quan lang
(:quan nguồn) [đồng bào Thượng
ở thượng nguồn vốn có lòng] trung thành
Phương lặn mặt trời rực [nắng] ngày,
tin tức vắng bặt
Ruột đứt, khe nước trong xanh, xanh biếc ngó [ý,
với tơ lòng, hương] sen thơm ngát.
Huyền Vũ lầu không đặc lớp sương
Trăng sân gió cửa quá thê lương
Non sông cố quốc bao thay đổi
Gươm ngựa toàn gia vạn dặm trường
Không [: Trời] đến cửa Tây,
thương thái phó
Ai về biển Bắc, hỏi trung lang
Tìm trời đáy biển không tin tức
Đứt ruột sen khe lộ ngó hương (123).
Huyền Vũ trước lầu đất ngập sương
Trăng sân gió cửa quá thê lương
Núi sông nước cũ lòng thay giọng!
Gươm ngựa toàn nhà nẻo mở đường
“Vô” sái cửa Tây, thương thái phó
Ai xuôi biển Bắc, hỏi quan nguồn
Rực ngày phương lặn không tin tức
Ruột đứt khe xanh, biếc ngó hương (123) .
Hết tệp 4
(PHÂN ĐOẠN 2)
– trọn TRUYỆN KÍ THỨ 12 –
Khởi viết từ 07 giờ 41
sáng ngày 17.01.2003
(15.12 Nh. ngọ HB.3)
Viết đến dòng chữ này vào lúc 17 giờ 07 phút,
ngày 24.01.2003 (22.12 Nh. ngọ. HB.3).
TRẦN XUÂN AN
(79) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 228.
(80) ĐNLT., bản dịch Viện Sử học, tập 3, Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1993, tr. 77 – 78. Như thông lệ, những câu văn không có bộ phận chủ ngữ (hoặc chủ từ: subject) mà vị từ (verb) của bộ phận vị ngữ (verb + object) là chuẩn, dụ, sai, tịch thu… thì bắt buộc phải hiểu ngầm chủ ngữ là vua, nhiếp chính, hoặc thái hậu, tam cung (thuỳ liêm thính chính [:buông rèm xử lí chính sự] ở trường hợp ngoại lệ). Nói một cách đơn giản, dưới chế độ phong kiến trung ương tập quyền cao độ như nhà Nguyễn (và hầu như chế độ phong kiến tập quyền nào cũng vậy), chỉ có vua, nhiếp chính, (hoặc ngoại lệ, thái hậu, tam cung) mới có quyền chuẩn định, ban sắc dụ, sai phái, tịch thu (khâm sai, khâm phái; tịch thu thi hành án với các viên đại quan…).
(81) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 233.
(82) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 229.
(83) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 229.
(84) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 229 – 231.
(85) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 231.
(86) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 232.
(87) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 233 – 234.
(88) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 234.
(89) CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 531 – 532.
(90) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 177.
(91) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 234.
(92) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 234 – 235.
(93) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 235.
(94) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 235.
(95) Dẫn theo: Phạm Văn Sơn, Việt Nam cách mạng cận sử (VNCMCS.), Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1963, tr. 41 – 42. Về cuốn sách này, cũng như các cuốn sách tham khảo khác, tôi đã có dịp phê phán trong khi tiếp thu (theo tinh thần nghiên cứu khoa học). Xem thêm: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, bài tham luận của Nguyễn Hữu Thông và Nguyễn Quang Trung Tiến, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. Tp.HCM., 20.6.1996, tr. 105 – 107.
(96) Xem đoạn trích bốn câu cuối trong VHN., Nxb. Thuận Hóa tái bản, 1995, sđd., tr. 83 – 84; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 561; tư liệu sưu tầm của nhà nghiên cứu Lê Quang Thái, nhà thơ Lương An… Xem: Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản).
(97) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 236.
(98) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 236 – 237.
(99) Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử (LGTS.), Nguyễn Huy Xước dịch, bản in ronéo, 1961, tr. 38; tư liệu của Lương An… Về cuốn LGTS. này, chúng tôi đã tiếp thu và đã phê phán (một thao tác khoa học cần thiết trong việc tham khảo bất kì tư liệu nào, cuốn sách nào); xin xem: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).
(100) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 237 – 239.
(101) NNBCĐH. [BAVH., 1923], bài “Một trang sử tỉnh Quảng Trị, tháng 09.1885” của Jabouille, phụ trách Tổ chức công vụ Pháp, công sứ Pháp tại Quảng Trị, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, tập X (1923), Nxb. TH., 2002, tr. 439.
(102) H. Ravier, Compendium historicoe Ecclesiasticoe, dẫn theo GS. Trần Văn Giàu, “Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử” (tập I của bộ sách SPTTTVN. TTK.XIX. ĐCTT.), Nxb. Tp.HCM., 1993, tr. 368, 370.
(103) NNBCĐH. [BAVH., 1916], bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” của linh mục Aldophe Delvaux, Đặng Như Tùng dịch, Phan Xưng, Bửu Ý, Đỗ Hữu Thạnh, Hà Xuân Liêm hiệu đính, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 78 – 79.
(104) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 240.
(105) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 240 – 241.
(106) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 241.
(107) Nhóm Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (TVYN. NSTK. XIX), Nxb. Văn Học, 1970, tr. 295 và tư liệu của Đặng tộc; dẫn theo TCVNTCV., Nxb. Văn Học, sđd., 1997, tr. 192 – 193.
(108) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 241 – 242. Vụ Quảng Ngãi (Lê Trung Đình) và vụ Bình Định (Đào Doãn Địch) khác nhau về “ngọn cờ khởi nghĩa”. Lê Trung Đình tôn phù Tuy Lý vương Miên Trinh, một nhà thơ hoàng tộc chủ “hòa”, câu kết với Pháp thời Hiệp Hòa, vốn bị đày vào Quảng Ngãi (mặc dù Miên Trinh từ chối). Do đó Nguyễn Văn Tường đánh giá đấy là cuộc “nổi loạn” duy nhất (ĐNTL.CB, tập 36, sđd., tr 233 – 234). Đào Doãn Địch chỉ thuần hưởng ứng Dụ Cần vương, “bình Tây sát tả” (đánh Pháp và đánh bọn dữu dân trong giáo dân, vốn đích thực là tay sai của thực dân), nên ngầm được ủng hộ (mặc dù De Champeaux thúc giục đánh dẹp), và cuối cùng là được “rộng tha”. Về Lê Thận, do ông có thái độ đồng cảm, đồng tình, rộng tha với quân Cần vương, nên “quý quan [Pháp!!!] hiện đóng ở tỉnh ấy cũng không bằng lòng”; ông bị ngụy vương Đồng Khánh “[chuẩn cho] giáng hai cấp, mang theo hàm mới, về quê hưu dưỡng” (sđd., tập 37, tr. 52, 98). Tổng đốc Bình – Phú Lê Thận (cũng như Đinh Hội, thuộc phe Cần vương) là vị quan còn giữ được phẩm chất đáng quý. Xin xem lại: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi, 05.7.1885”, khảo luận và phê bình sử học, bản in vi tính, 2002, sắp xuất bản.
(109) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 243.
(110) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 229.
(111) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 224.
(112) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 245 – 246.
(113) Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam (1857 – 1914), luận án tiến sĩ, bản dịch in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr. 319: “Puginier, giám mục ở Bắc Kì, và Camelbeck, giám mục ở Quy Nhơn, đã mở một chiến dịch điên cuồng tấn công chống Nguyễn Văn Tường mà theo họ là kẻ thù lớn nhất của người Pháp và đồng thời cũng là người An Nam điêu toa [!] nhất mà người ta có thể gặp… Sự hợp tác của ông ta và De Courcy là một mưu mô [của ông ấy] nhằm đánh lừa người Pháp”; dẫn theo: Các báo cáo khoa học, bài “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) qua hai sự kiện tứ nguyệt tam vương và thất thủ kinh đô” của Trần Viết Ngạc, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức, 02.07.2002., tr. 54 – 55.
(114) NNBCĐH. [BAVH., 1916], A. Delvaux, bài đã dẫn, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1997, tr. 79.
(115) NNBCĐH. [BAVH., 1916], A. Delvaux, bài đã dẫn, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1997, tr. 80.
(116) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 247.
(117) NNBCĐH. [BAVH., 1914], H. Pirey, tập I (1914), Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1997, tr. 224 – 234. Xem thêm: chú thích (37) của truyện kí thứ năm, tập I, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này.
(118) NNBCĐH. [BAVH., 1923], Jabouille, bài đã dẫn, tập X (1923), Nxb. TH., sđd., 2002, tr. 434.
(119) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 247 – 248.
(120) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 249.
(121) LGTS., bản in ronéo, sđd., 1961, tr. 38; Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản), tr. 119 – 123.
(122) LGTS., bản in ronéo, sđd., 1961, tr. 35; Nhiều tác giả, Từ điển văn học (TĐVH.), tập 2, Nxb. KHXH., 1984, tr. 530.
(123) Bản dịch thơ 1 của Chu Thiên Hoàng Minh Giám; bản dịch thơ 2 của Trần Xuân An (theo bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan).
Cước chú:
Cước chú của đoạn trích từ “Đại Nam liệt truyện” về Nguyễn Nhược thị Bích (chú thích 80 của truyện kí thứ mười hai):
(*) Lẽ ra, nên để đoạn trích dẫn từ “Đại Nam liệt truyện” này vào vị trí chú thích cuối trang hoặc cuối chương (truyện kí thứ mười hai), nhưng để tiện lưu ý, lưu ý một cách đặc biệt, tôi đặt ngay giữa trang.
Cước chú của tiết 20, đoạn cuối, thuộc truyện kí thứ mười hai:
(*) Xin xem tư liệu bổ sung (mục I & IV) ở phần kết truyện kí cuối.
Cước chú của tiết 23, đoạn cuối, thuộc truyện kí thứ mười hai:
(*) Hai chữ Hán, phổ (như phổ biến) và bác (như quảng bác), có nghĩa tương tự, được viết gần giống nhau. Có lẽ phiên âm nhầm.
Cước chú của tiết 25, đoạn cuối, thuộc truyện kí thứ mười hai:
(*) Nay là Thư viện Tổng hợp Tp.HCM. (góc đường Lý Tự Trọng – Nam Kỳ khởi nghĩa).
Cước chú của tiết 27, đoạn đầu, thuộc truyện kí thứ mười hai:
(*) Để tiện việc lưu ý, lưu ý một cách đặc biệt, mạn phép được viết hoa toàn bộ đoạn trích này.
Cước chú bản án lưu đày PCĐT. Nguyễn Văn Tường do De Champeaux cáo thị (đầu tiết 28, thuộc truyện kí thứ mười hai):
(*) Để tiện việc lưu ý, lưu ý một cách đặc biệt, mạn phép được viết hoa toàn bộ đoạn trích này.
Cước chú bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền (cuối truyện kí thứ mười hai):
(*) Bấy giờ, thật sự là đã vong quốc, mất nước vào tay giặc Pháp.
(**) Cách hiểu đúng hơn: “không” là biện pháp vô vi (vô vi bất như bất vi), nhằm phối hợp với phong trào Cần vương; “quá” là sai lầm. Biện pháp vô vi đã sai lầm, bị sái trật trong thực tế lịch sử. Do đó, Nguyễn Văn Tường đã bị giặc Pháp phát hiện và kết án lưu đày biệt xứ. Vì vậy, “khiến [tác giả Nguyễn Thượng Hiền] khóc không để lộ nước mắt (:đau đớn khóc thầm) thái phó”.
Chú thích xong lúc 18 giờ kém 05 phút,
ngày 20.02.2003 (20.01 Quý mùi HB.3).
TRẦN XUÂN AN
Hết tệp 4
(PHÂN ĐOẠN 2)
– trọn TRUYỆN KÍ THỨ 12 –
Xin xem tiếp tệp 5
(truyện kí cuối)
thuộc bộ sách “PCĐT. NVT.”.
http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/